Lĩnh vực phụ trợ cho sản xuất tôm: Thị trường tỷ đô mới của ngành nhựa Việt Nam

07/05/2021 | 298 |
0 Đánh giá

Xuất khẩu tôm có nhiều triển vọng tăng trưởng nhờ một loạt hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia có hiệu lực. Từ đây, các ngành phụ trợ cho sản xuất tôm cũng đón bắt không ít cơ hội.

Thị trường tiềm năng

Xuất khẩu tôm của Việt Nam đã cán mốc 3,8 tỷ USD vào cuối năm 2020, ghi nhận mức tăng 12,4%, đóng góp đáng kể vào con số 8,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến nhiều ngành xuất khẩu.

Nhựa Tiền Phong đã sản xuất thành công vách PE dùng để thi công hồ nuôi tôm với các tính năng vượt trội so với vật liệu thông thường như: không bị hoen gỉ, ăn mòn trong điều kiện tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường nước, độ bền cao trên 10 năm.

Đặc biệt, với vách PE, kích cỡ của hồ nuôi có thể mở rộng với đường kính lớn, lên đến 45 m, đây cũng là tính năng mà các vật liệu khác chưa thể đáp ứng. Mô hình nuôi tôm trên cạn này cũng giúp bà con tăng vụ mùa nuôi tôm lên 3 vụ/năm và nâng cao chất lượng tôm, đáp ứng điều kiện xuất khẩu thị trường quốc tế.

Nhờ tận dụng tốt các cơ hội thị trường từ 14 FTA đang có hiệu lực, 1 FTA đang chờ phê chuẩn (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP) và 2 FTA đang đàm phán, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, kéo theo hoạt động đầu tư sản xuất của ngành tôm khá nhộn nhịp. Nhờ đó, các doanh nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất tôm cũng đón bắt được thời cơ để tăng tốc trong kinh doanh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt khoảng 280.000 ha, thể tích lồng nuôi khoảng 10,5 triệu m3, sản lượng đạt khoảng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt khoảng 290.000 ha, thể tích lồng nuôi khoảng 12 triệu m3, sản lượng đạt khoảng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hải sản nuôi đạt 3 - 4 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến; sản lượng nuôi biển đạt 3 triệu tấn/năm, giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển công nghiệp xa bờ, công nghiệp phụ trợ, chế biến sản phẩm công nghệ cao, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng; hỗ trợ đầu tư các mô hình nuôi biển công nghiệp xa bờ, ưu đãi cho các mô hình chuyển đổi từ nuôi biển thủ công truyền thống sang mô hình nuôi biển công nghiệp.

Tại Hội chợ Triển lãm quốc tế ngành tôm Việt Nam - Vietshrimp vừa diễn ra tại Cần Thơ, sản phẩm vách PE và thùng T50 Tiền Phong phục vụ chủ yếu cho ngành thủy hải sản do Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) sản xuất đã nhận được sự chú ý đặc biệt của các doanh nghiệp, hộ nuôi thủy sản.

Sau quá trình nghiên cứu mô hình nuôi tôm trên cạn - mô hình nuôi tôm mới do Tập đoàn Thủy sản Minh Phú triển khai, Nhựa Tiền Phong đã sản xuất thành công vách PE dùng để thi công ao/hồ nuôi tôm với các tính năng vượt trội so với vật liệu khác như: không bị hoen gỉ, ăn mòn trong điều kiện tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường nước, độ bền cao trên 10 năm.

Trong khi đó, sản phẩm thùng T50 Tiền Phong - thùng đựng thủy hải sản lại ghi điểm với các doanh nghiệp nhờ kết cấu linh hoạt, giúp thuận tiện trong cách sắp xếp lưu trữ, không bị biến dạng trong môi trường nhiệt biến đổi liên tục, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ được độ tươi ngon của thành phẩm bên trong.

“Thị trường đã có nhiều sản phẩm tương tự, tuy nhiên, với độ bền trên 10 năm sử dụng liên tục, thùng T50 Tiền Phong sẽ giảm chi phí cho nhà đầu tư cũng như bảo toàn được chất lượng thủy hải sản trong quá trình vận chuyển”, đại diện Công ty Nhựa Tiền Phong cho biết.

Ống nhựa Tiền Phong dẫn nước biển vào hồ nuôi tôm của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
Ống nhựa Tiền Phong dẫn nước biển vào hồ nuôi tôm của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Tận dụng dư địa tăng trưởng

Đưa ngành tôm xuất khẩu của Việt Nam cán mốc 10 tỷ USD là mục tiêu lớn đã được Chính phủ “đặt hàng” từ 4 năm trước. Theo đó, ngành tôm Việt Nam xác định mục tiêu tiến lên thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ nuôi trồng, chế biến tôm chất lượng cao.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cả nước đang có khoảng 200.000 ha nuôi tôm công nghệ cao, tập trung nhiều ở hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng với diện tích khoảng 168.000 ha.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, Minh Phú đang triển khai hợp tác chiến lược với Công ty Nhựa Tiền Phong cho các dự án phục vụ nuôi tôm công nghệ cao từ năm 2018.

“Sự hợp tác này có ý nghĩa rất lớn. Minh Phú đã tìm được đối tác tốt để cung cấp ống nước, ống sục nước hồ nuôi, ống dẫn nước từ biển vào vùng nuôi xa hàng ki-lô-mét với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, khả năng cung ứng lớn và ổn định. Xin nhấn mạnh rằng, việc lấy nước từ biển vào để phục vụ nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi chất lượng đường ống phải tốt để đảm bảo sức khoẻ cho con tôm. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm với sản phẩm ống HDPE có đường kính lớn, không có chất phụ gia của Nhựa Tiền Phong”, ông Quang nói.

Được biết, Nhựa Tiền Phong đã hợp tác cung ứng ống HDPE cho Dự án Nuôi tôm công nghệ cao của Minh Phú tại Vũng Tàu có quy mô trên 300 ha, với tổng số hồ nổi nuôi tôm công nghệ cao là 538 ao.

Ngoài dự án này, Minh Phú đang tiếp tục hợp tác cùng Nhựa Tiền Phong để thực hiện Dự án Nuôi tôm công nghệ cao tại Kiên Giang có quy mô 10.000 ha. “Sự thành công của hai dự án này sẽ mở ra cơ hội cho các hộ nuôi tôm trong hiệc hợp tác cùng chuyển đổi mô hình nuôi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mở rộng thị trường cho Nhựa Tiền Phong tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong nhận định.

Theo ông Quang, sự hợp tác giữa Minh Phú và Nhựa Tiền Phong mới chỉ được thực hiện một phần, còn rất nhiều công việc, các dự án hợp tác nữa của hai doanh nghiệp đang chờ ở phía trước.

Sau khi hợp tác với Minh Phú, danh mục các tổ chức, doanh nghiệp “bắt tay” Nhựa Tiền Phong tiếp tục nối dài, với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy hải sản.

Ngay tại Hội chợ Triển lãm quốc tế ngành tôm Việt Nam - Vietshrimp, sự quan tâm của khách đến tham dự đã cho thấy tiềm năng phát triển lớn của mô hình hồ nuôi bằng vách PE và thùng T50 Tiền Phong của Nhựa Tiền Phong. Anh Bùi Văn Hoàng, một chủ hộ nuôi tôm tại tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang áp dụng mô hình ao nuôi là các ao nổi sử dụng khung thép. Tuy nhiên, các khung thép sau thời gian sử dụng (khoảng 2 - 3 năm) sẽ bị han, gỉ, phải thay thế; thời gian thi công ao kéo dài dẫn đến tăng chi phí và chậm tiến độ đưa tôm vào nuôi trồng, đồng thời, thép han gỉ sẽ ảnh hưởng tới môi trường nuôi. Chúng tôi đang tìm kiếm mô hình mới khắc phục được những hạn chế này và rất quan tâm tới mô hình hồ nuôi bằng vách PE của Nhựa Tiền Phong”.

Đánh giá về mô hình hồ nuôi bằng vách PE của Nhựa Tiền Phong, anh Lưu Quốc Phong, chủ hộ nuôi tôm tại tỉnh Kiên Giang nhận định: “Giải pháp mà Nhựa Tiền Phong mang tới có thể giải quyết được các điểm yếu của ao nuôi tôm sử dụng khung thép hiện tại như: tăng thời gian sử dụng cho khung ao nuôi lên gấp 3 lần khung thép; thao tác lắp đặt rất dễ dàng, có thể dễ dàng thay thế các tấm nếu trong quá trình sử dụng có phát sinh sai hỏng.

“Chúng tôi biết sản phẩm vách PE là sản phẩm mới của Nhựa Tiền Phong nên đang mong chờ Công ty sớm công bố giá sản phẩm để có thể tính toán sơ bộ chi phí đầu tư ban đầu. Đồng thời, chúng tôi hy vọng, Nhựa Tiền Phong sẽ có hỗ trợ, hướng dẫn lắp đặt sản phẩm đúng kỹ thuật”, anh Phong chia sẻ.

Có thể nói, với dòng sản phẩm mới này, Nhựa Tiền Phong đang tiến thêm một bước vào lĩnh vực phụ trợ của ngành nuôi trồng thủy sản với các sản phẩm ưu việt nhất, tạo thêm cơ hội tăng trưởng sản xuất - kinh doanh cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Nhựa Tiền Phong.


Tin tức liên quan

Bình luận