Làm gì để ngành tôm tăng sức cạnh tranh? [Bài 5]: Gói kích cầu giúp giữ vững lòng tin
Để xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD trong năm 2023, loạt giải pháp kích cầu, tăng cường quản lý nhà nước trong sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường được đề ra.
Giữ vững xuất khẩu tôm ở mức 4,3 tỷ USD
Nhận định năm 2023 với nhiều khó khăn thách thức cho ngành tôm Việt Nam, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã đưa ra một loạt định hướng, giải pháp để đạt được mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD.
Ông Trần Công Khôi (Cục Thủy sản) đề cập yếu tố then chốt là con giống. Ông Khôi nhận định, phải quản lý tốt điều kiện sản xuất giống, bởi hiện nay cả nước có tới 50% các cơ sở sản xuất giống tương đối nhỏ lẻ, chưa đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, chất lượng tôm giống bố mẹ, giống thương phẩm cũng cần phải được kiểm tra theo đúng quy định. Nhất là tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các địa phương và trực tiếp các cơ sở để đảm bảo con giống đến tay người nuôi một cách tốt nhất.
Để sản xuất tăng trưởng cả về chất và lượng, ông Khôi cho rằng cần đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống phục vụ cho các vùng nuôi.
Bên cạnh đó tại các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu cần hình thành các trung tâm sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu con giống của toàn vùng ĐBSCL và cả nước.
Hơn nữa, công tác quản lý chất lượng giống lưu thông trên thị trường cũng cần làm chặt, để đảm bảo 100% cơ sở sản xuất giống thủy sản được kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống. Riêng với các lô hàng tôm giống khi xuất ngoại tỉnh phải được kiểm dịch theo đúng quy định.
Về thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng cũng cần phải quản lý tương tự, để vừa đảm bảo số lượng cung ứng đủ nhưng vẫn chất lượng cũng được đảm bảo. Đồng thời, làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh, theo dõi kỹ môi trường để có các giải pháp quản lý phù hợp với từng giai đoạn.
Đối với công nghệ trong nuôi tôm, ông Khôi lưu ý phải áp dụng công nghệ nuôi 2 hoặc 3 giai đoạn để đảm bảo sức sinh trưởng của con tôm ở mức tốt nhất.
Song song với việc phát triển nuôi thâm canh, siêu thâm canh đối với tôm thẻ chân trắng, phải phát triển nuôi tôm sú với nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là quảng canh, quảng canh cải tiến để có được chất lượng tôm sú tốt và giữ được lợi thế xuất khẩu của tôm sú trên thị trường thế giới.
Công tác mở rộng thị trường, tìm kiếm các thị trường mới, tương đối dễ tính hơn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc cần được quan tâm. Cộng với đó là giữ vững những thị trường truyền thống và để làm được điều này, ông Khôi khẳng định phải nâng cao chất lượng tôm, con tôm đạt các chứng nhận quốc tế để đảm bảo tôm Việt thuận lợi khi vào thị trường khó khăn nhất.
Trong năm 2022, cả nước đã sản xuất được gần 160 tỷ con giống tại gần 2.300 cơ sở sản xuất ương dưỡng giống tôm nước lợ và 21.000 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ, 20.000 con tôm sú bố mẹ. Song song đó, nhập khẩu 328 con tôm sú bố mẹ, gần 185 nghìn tôm thẻ bố mẹ, 44.800 con hậu ấu trùng tôm sú và 16.000 con hậu ấu trùng tôm thẻ.
Dự kiến năm 2023, nhu cầu tôm bố mẹ phục vụ cho sản xuất khoảng 260 - 270 nghìn con và từ 140 -150 tỷ con tôm giống. Diện tích nuôi tôm đạt 750 nghìn ha. Phấn đấu, sản lượng tôm các loại đạt trên 1 triệu tấn.
Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ ngành hàng nuôi trồng thủy sản
Vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có một chương trình kích cầu để tạo tâm lý yên tâm cho các doanh nghiệp, nông dân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.
Trong đó, giải pháp VASEP đưa ra là làm sao có một chính sách tiêu thụ tôm cho người dân, trong điều kiện nếu thị trường tiếp tục xấu đi, để người dân tin tưởng và tiếp tục duy trì sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có điều kiện để dự trữ nguyên liệu trong giai đoạn thị trường đang xấu.
Cụ thể, VASEP đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành một gói tín dụng với lãi suất thấp, khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho ngành hàng nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Về dài hạn, VASEP kiến nghị Chính phủ thúc đẩy việc sửa đổi Luật Đất đai, đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, để phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp. Ngoài ra, tại vùng ĐBSCL cần có quy hoạch chi tiết để phát triển các mô hình nuôi tôm độc đáo của vùng như: Tôm rừng, tôm lúa, tôm sinh thái, tôm sú quảng canh...
Về phát triển hệ thống logistics, ông Hòe cho rằng, cần xây dựng cảng Cái Cui của TP Cần Thơ trở thành cảng container chính của khu vực, nhằm kịp thời giảm chi phí và rút ngắn thời gian vận chuyển cho hàng hóa thủy sản xuất khẩu. Đồng thời, mở rộng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng hàng không để xuất khẩu những hàng hóa đặc thù, giá trị của vùng ĐBSCL đi các nước.
Song song đó, cần tập trung phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics tích hợp, năng lực mạnh tại TP. Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của khu vực. Quan tâm phát triển các trung tâm giao dịch thủy sản, các chợ đầu mối thủy sản tại các vùng nguyên liệu, các kho lạnh thương mại trong khu vực.
Việc đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động dịch vụ logistic nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cũng là vấn đề cần được các địa phương trong vùng quan tâm.
Đối với các cơ sở, doanh nghiệp cung ứng và phân phối vật tư thủy đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết ngành tôm vùng ĐBSCL, vì thế VASEP đưa ra giải pháp khuyến khích đầu tư đối các chủ thể này.
Với những doanh nghiệp ngoài vùng có nhu cầu xây dựng thêm nhà máy, trụ sở tại các địa phương trong vùng cũng cần có chính sách hỗ trợ, tạo thuận tiện trong việc cung ứng hàng hóa và giảm chi phí vận chuyển cho người dân, hướng đến phát triển chuỗi cung ứng một cách toàn diện.
Vấn đề cấp thiết hiện nay được VASEP chỉ ra là nhanh chóng xây dựng chiến lược chi tiết phát triển nguồn nhân lực toàn diện và phù hợp với bối cảnh của vùng ĐBSCL. Trong đó, tập trung đào tạo chuyên sâu nhiều cấp độ về ngành nghề, chuyên môn và phù hợp với xu hướng sản xuất của khu vực, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao về lĩnh vực nuôi trồng và chế biến và thương mại thủy sản cho khu vực. Đồng thời, nên chăng xây dựng các trung tâm nghiên cứu, cùng chính sách ưu đãi cho nguồn nhân lực ban đầu, để tạo ra nguồn nhân lực tại chỗ đủ mạnh, chuyên sâu, chất lượng. (Hết)
Kim Anh - Văn Vũ
Xem thêm