Tôm công nghiệp ở Đầm Dơi: Diện tích tăng, người nuôi thận trọng
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện, 5 tháng đầu năm 2021, diện tích đào mới ao nuôi tôm công nghiệp (NTCN) trên địa bàn huyện là 329,74ha, đạt 122,57% kế hoạch. Nâng tổng diện tích NTCN trên địa bàn huyện lên 2.660,74ha (3.302 hộ), trong đó diện tích đang nuôi là 1.464,7ha (sú 102,7ha, thẻ 1.362ha)
Theo ông Nguyễn Quốc Hận, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện: Nguyên nhân diện tích NTCN trên địa bàn huyện tăng là do trong những tháng qua người nuôi tôm trúng vụ, giá tôm ở mức tương đối, lợi nhuận cao, thúc đẩy họ mở rộng diện tích nuôi và các hộ lân cận cũng thử nghiệm theo. Cùng với việc trúng mùa, được giá, những tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi công nghiệp đã dần được ổn định nên nông dân phấn khởi, tiếp tục đầu tư thả giống cho vụ tôm mới.
Chị Nguyễn Thị Thơi, ấp Tân Lợi A, xã Tạ An Khương Nam, phấn khởi: “Vụ tôm vừa qua, người nuôi tôm ở đây đều có lãi do được mùa và được giá. Hy vọng niềm vui sẽ tiếp tục đến với những người nuôi tôm chúng tôi ở vụ mới này”. Tại một số vùng NTCN trên địa bàn huyện, bước vào vụ nuôi mới này, nhiều hộ chọn nuôi tôm sú thay cho tôm thẻ chân trắng. Bởi theo người dân, nuôi tôm thẻ chi phí đầu tư cao, rủi ro cũng cao, song gần đây giá tôm thẻ bấp bênh, không ổn định nên họ quyết định theo khuyến cáo của các ngành chuyên môn là ưu tiên vào đối tượng tôm sú, vì vốn đầu tư ban đầu thấp, ít dịch bệnh, thị trường ổn định, phù hợp với điều kiện sản xuất tại Cà Mau.
Bên cạnh việc thay đổi giống nuôi thích hợp, người NTCN trên địa bàn huyện Đầm Dơi ngày càng tỏ ra thận trọng hơn, bởi trong thực tế sản xuất bà con từng gặp không ít rủi ro, nhiều hộ thất trắng vì tôm bệnh, con giống chất lượng kém. Do đó, hiện nay người dân rất quan tâm đến chất lượng con giống, kết hợp kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình nuôi… Đó là những yếu tố quan trọng, góp phần quyết định rất lớn đến sự thành công của vụ nuôi. Ông Quách Văn Xìa, một hộ NTCN có tiếng ở ấp Chà Là, xã Trần Phán: “Tích lũy kinh nghiệm từ nhiều năm trong nghề NTCN, chúng tôi đúc kết thành bài học là “Nhất giống, nhì phân, tam cần, tứ nước (môi trường ao nuôi)”. Vì đây là nghề lợi nhuận cao, song rủi ro cũng rất lớn, vì thế chúng tôi rất thận trọng. Khi chọn con giống phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, kiểm nghiệm đạt chất lượng. Trước khi thả nuôi phải kiểm tra độ mặn, độ pH trong ao nuôi thích hợp. Trong quá trình nuôi phải theo dõi sát chế độ ăn, giờ chạy quạt, sức khỏe tôm nuôi và môi trường nước ổn định…”.
Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nhị Nguyệt, xã Trần Phán: “Để hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người nuôi tôm, các cơ quan, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, kiểm dịch các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống từ nơi khác nhập vào địa phương. Bên cạnh đó, Tổ hợp tác Nhị Nguyệt cũng đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp cung cấp tôm giống, doanh nghiệp thức ăn tôm công nghiệp mở nhiều cuộc tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, phương thức xử lý sự cố trong NTCN… từ đó, giúp người dân trang bị kiến thức cần thiết, hạn chế rủi ro”.
Nguồn: baoanhdatmui.vn
Xem thêm