Diễn đàn trực tuyến "Tôm Việt 2021 – Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19" do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với một số đơn vị có liên quan tổ chức vào hôm nay 1/9
Tại Diễn đàn trực tuyến "Tôm Việt 2021 – Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19" do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với một số đơn vị có liên quan tổ chức vào hôm nay 1/9, nhiều ý kiến cho rằng, ở ĐBSCL, nông dân không dám thả nuôi vụ mới do lo không bán được tôm trong thời gian tới.
Theo ý kiến nhiều đại biểu, thời gian qua, do các địa phương ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến việc mua bán rất khó khăn, giá tôm giảm mạnh.
Từ đó, dẫn đến việc nông dân e ngại tái đầu tư sản xuất, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng.
Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết, hơn tháng qua, do thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động chuỗi ngành tôm (mua bán, cung cấp con giống, thức ăn…) trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn.
Theo ông Bằng, đến nay, các hoạt động chuỗi ngành tôm đã tạm ổn nhưng khâu vận chuyển tiêu thụ vẫn còn khó khăn, khiến giá tôm giảm đến hơn 30%. Vì vậy, người dân chưa dám thả nuôi vụ mới.
"Lượng tôm giống thả nuôi giảm rất nhiều, hiện chỉ bằng 30-40% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí nhiều khu vực không dám thả nuôi tiếp" - ông Bằng nói.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu thì cho biết, khi thực hiện giãn cách xã hội, khó cho vận chuyển hàng hóa đã khiến giá tôm ở Bạc Liêu sụt giảm 40-50%. Giá tôm giảm khiến người nuôi lâm cảnh khó khăn, không muốn thả nuôi vụ mới vì không biết tương lai thu hoạch sẽ thế nào.
"Một tấn rau quả thiệt hại chỉ 10-30 triệu đồng nhưng một tấn tôm có thể gây thiệt hại cho nông dân 100-200 triệu đồng" - Ông Nhiệm nói.
Ông Võ Quan Huy - Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng) cũng cho rằng, người dân không muốn thả nuôi vụ mới do bị thiệt hại nặng nề trong vụ tôm đang diễn ra, trong khi vụ tôm sắp tới không rõ tình hình tiêu thụ ra sao.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, từ đầu tháng 7, các cơ sở sản xuất tôm giống chủ động giảm 30-40% sản lượng và từ 15/8 số lượng giảm còn mạnh hơn, thậm chí một số cơ sở ngừng hoạt động do nhu cầu tôm giống ở các địa phương trọng điểm giảm rất nhiều.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, hoạt động thả tôm nuôi đang có chiều hướng giảm, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào ngưng hoạt động vì dịch Covid-19.
Nếu tình trạng này kéo dài thì những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sản lượng tôm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến sẽ thiếu hụt rất nhiều.
Doanh nghiệp ký nhiều hợp đồng xuất khẩu, không lo chuyện không bán được tôm
Tại diễn đàn, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhà máy của công ty ở Cà Mau và Hậu Giang phải thực hiện phương án "3 tại chỗ", kéo theo đó là lượng công nhân làm việc phải giảm theo.
Trong tháng 8, sản lượng và giá trị xuất khẩu của công ty lần lượt giảm 30,8% và 17,74% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm nay, sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng lần lượt 9,87% và 19,56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Quang, tuy sản lượng và giá trị xuất khẩu trong tháng 8 sụt giảm nhưng hợp đồng được Tập đoàn thủy sản Minh Phú ký kết với đối tác là rất lớn. Ông Quang nhấn mạnh: "Từ nay đến cuối năm không lo chuyện không bán được tôm mà chỉ lo không chế biến được".
"Từ nay đến tháng 11, nếu có nguyên liệu sẽ xuất bán rất tốt vào dịp Noel cho thị trường châu Âu, Mỹ. Qua tháng 11, chỉ có thể bán cho thị trường châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc" - ông Quang nói.
Lãnh đạo Tập đoàn thủy sản Minh Phú thông tin thêm, thị trường đang có nhu cầu đối với tôm cỡ lớn nên phân khúc này tiêu thụ rất dễ dàng.
"Hợp đồng tôm cỡ 10-45 con/kg được Tập đoàn Minh Phú ký rất nhiều với đối tác và giá bán cũng rất tốt và đây cũng chính là lý do giá tôm lớn giảm ít hơn so với tôm nhỏ" - ông Quang thông tin.
Theo ông Quang, nông dân nên nuôi tôm lớn bằng việc thả nuôi mật độ thưa, khoảng 100-120 con/m2 hoặc cao nhất là 150 con/m2 thay vì nuôi mật độ 250-300 con/m2 như trước.
Ông Võ Quan Huy - Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, trước những khó khăn của người nuôi tôm do ảnh hưởng của Covid-19, ngành chức năng cần xem xét hỗ trợ tiền điện vì hoạt động sản xuất sử dụng rất nhiều điện. Hiện nay, doanh nghiệp đang bán tôm rất tốt nhưng được giảm tiền điện trong khi nông dân tốn kém chi phí điện sản xuất khá lớn lại không được giảm.
Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng kiến nghị các bộ ngành Trung ương bên cạnh việc có giải pháp hữu hiệu quản lý giá thức ăn nuôi tôm thì cần xem xét hỗ trợ giảm tiền điện cho người nuôi 10-30%, áp dụng từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022. Việc làm này cũng là cách bù đắp khó khăn cho ngành sản xuất.
Theo Huỳnh Xây - Báo Dân Việt
Xem thêm