Phát triển nuôi tôm công nghệ cao
Nuôi tôm thẻ theo kiểu truyền thống hiệu quả không cao, nhiều rủi ro, nên nhiều hộ nông dân ở tỉnh Bến Tre đã chuyển đổi, phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng với hình thức thâm canh mật độ cao (còn gọi là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao - CNC) nhiều giai đoạn, lợi nhuận tăng gấp 4 lần so với trước.
Ông Phan Văn Quẹo phấn khởi sau 2 vụ nuôi tôm công nghệ cao đạt kết quả tốt
Qua đó, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt 4.000ha nuôi tôm ứng dụng CNC vào năm 2025 tại các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú.
Đổi mới tư duy sản xuất
Những năm trước, mô hình nuôi tôm CNC đã bắt đầu nhen nhóm phát triển tại Bến Tre. Từ năm 2016, mô hình này đã từng bước phát triển trên địa bàn 3 huyện ven biển của tỉnh là: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú với diện tích ban đầu 250ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC mang lại đã nâng diện tích thả nuôi lên 1.680ha năm 2020. Theo đánh giá thì năng suất bình quân đạt 60-70 tấn/ha diện tích mặt nước, người nuôi thu về 700-800 triệu đồng/vụ. Thực tế tại mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC của nông dân Đặng Văn Bảy (huyện Thạnh Phú), với sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ từ Công ty cổ phần CP Việt Nam cho thấy, kích cỡ tôm nuôi đạt hơn 15 con/kg, lợi nhuận tăng thêm khoảng 50 triệu đồng/ao nuôi. Với sự mạnh dạn thay đổi, ông Bảy giờ đã trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu toàn quốc với thu nhập từ nuôi tôm khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Lan tỏa cách làm hay, sau nhiều năm nuôi tôm theo kiểu truyền thống, kinh tế cũng không đạt hiệu quả cao như mong muốn, ông Phan Văn Quẹo (ngụ xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại) đã chuyển đổi 5ha diện tích nuôi tôm ao đất sang nuôi ứng dụng CNC. Với kinh nghiệm trên chục năm trong nghề, ông Quẹo rút ra bài toán kinh tế khi nuôi trên ao đất là diện tích mặt nước nuôi lớn, rủi ro cao vì tôm thường bị dịch bệnh, khó xử lý. Với diện tích 5ha chia làm 7 ao nuôi nhưng khi thu hoạch hiệu quả chỉ đạt khoảng 3 ao, đáng nói là chưa có ai nuôi kiểu truyền thống mà kích cỡ con tôm đạt size 20-22 con/kg, trong khi nuôi ứng dụng CNC thì hoàn toàn có thể và giá trị kinh tế khá cao.
Nhận thấy nuôi tôm theo hướng CNC đạt hiệu quả, ông Quẹo chuyển đổi gần 3ha để ứng dụng công nghệ này với sự liên kết, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp con giống từ một đơn vị khác. Theo đó, qua 2 vụ nuôi, năng suất tôm tăng 4-5 lần trên cùng diện tích mặt nước; dịch bệnh, tôm chết chiếm tỷ lệ thấp. Hạn chế của mô hình này là chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Nuôi theo hình thức CNC thì phải đầu tư hệ thống ao nuôi gồm: ao trữ nước; ao ươm; ao nuôi.
“Ao nuôi chiếm 20-30% tổng diện tích. Con giống sẽ được ươm 15-20 ngày, sau đó mới sang qua ao nuôi, mật độ khoảng 100-300 con/m2 ao nuôi, để kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế rủi ro, kiểm soát yếu tố môi trường nước, tỷ lệ nuôi đạt hơn so với truyền thống”, ông Võ Trịnh Quốc Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Đại, chia sẻ. Theo ông Toàn, hiện diện tích nuôi tôm CNC trên địa bàn huyện khoảng 800 ha. Giai đoạn 2020-2025, huyện có kế hoạch phát triển khoảng 2.000 ha nuôi tôm biển CNC, chiếm 50% diện tích của tỉnh.
Tăng diện tích 4.000ha vào năm 2025
Theo Bộ NN-PTNT, cả nước có hơn 200.000ha nuôi tôm CNC, trong đó tập trung nhiều nhất là tại 2 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng với tổng diện tích khoảng 186.000ha. Sản lượng tôm Việt Nam vẫn tăng đều mỗi năm 5-10%, có năm tăng 12%. Riêng tỉnh Bến Tre mức tăng trưởng bình quân hàng năm 8-10% là mức tăng ổn định, chậm nhưng có phương pháp. Sự tăng trưởng đều này nhờ vào sự thay đổi công nghệ trong nuôi tôm. Hiên nay, Bến Tre có hơn 50.000ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản, đến năm 2020 đã khai thác được 45.747ha, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,3% giai đoạn 2016-2020.
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, đặt mục tiêu phát triển 4.000ha diện tích nuôi tôm ứng CNC tại các vùng sản xuất trọng điểm trên địa bàn tỉnh vào năm 2025, tại huyện Ba Tri 500ha; Bình Đại 2.000ha; Thạnh Phú 1.500ha, với tổng kinh phí thực hiện trên 6.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước hơn 1.300 tỷ đồng (trung ương 1.140 tỷ đồng, địa phương 185 tỷ đồng); vốn khác là hơn 4.800 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu sản lượng khoảng 144.000 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,42%; giá trị sản xuất ngành tôm đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Ông Buội nhận định, ưu điểm của mô hình này là đầu tư kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, mật độ cao, quản lý tốt thức ăn và môi trường, nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm cỡ lớn, tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là tiện lợi cho việc xử lý chất thải. Từ năm 2021, sở xây dựng kế hoạch hỗ trợ và khuyến khích các hộ dân phát triển ít nhất 500ha tôm biển CNC, thực hiện tốt quản lý hoạt động nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian tới, Bến Tre triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ. Đặc biệt là đẩy mạnh kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng CNC và đầu tư nhà máy chế biến tôm…Song song đó, tỉnh sẽ phát triển các mô hình hợp tác, liên kết các hộ nuôi, cơ sở nhỏ lẻ thành tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm các khâu trung gian.
Ngoài ra, sẽ chuyển đổi một số vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thành vùng nuôi thủy sản chuyên canh, phù hợp với quy hoạch, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp thoát nước với các vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng CNC. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung giải quyết về vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng như điện, công trình giao thông, thủy lợi…liên kết các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, giúp người dân phát triển bền vững nghề nuôi tôm thâm canh tại Bến Tre.
TÍN HUY
Xem thêm