CEO Minh Phú: Giá thành sản xuất tôm của Việt Nam quá cao, khó cạnh tranh
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chỉ rõ rằng giá thành sản xuất cao khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tôm toàn cầu giảm do suy thoái kinh tế.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ ngày 21/9, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đã có bài phát biểu quan trọng về những thách thức của ngành tôm Việt Nam, đồng thời đưa ra những kiến nghị chiến lược nhằm phát triển ngành này theo hướng bền vững và hiệu quả hơn.
Ông Quang nhấn mạnh rằng tôm là một trong hai loài thủy sản chiến lược của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu dao động từ 3,5 đến 4 tỷ USD, chiếm từ 13 đến 14% tổng giá trị tôm toàn cầu.
Việt Nam cũng nổi bật với công nghệ chế biến tôm hiện đại và mạnh về sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, nhờ đó đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn đang đối diện với không ít thách thức.
Trong năm 2023, sản lượng tôm giảm mạnh tới 32%, trong khi các quốc gia đối thủ như Ecuador và Ấn Độ tăng sản lượng. Ông Quang chỉ rõ rằng giá thành sản xuất cao khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tôm toàn cầu giảm do suy thoái kinh tế.
Ngành tôm của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, như chi phí nhân công cao, chi phí xử lý nước thải đắt đỏ, chất lượng tôm giống chưa đạt chuẩn và phương pháp nuôi trồng không bền vững.
Nhiều cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, như BAP và ASC, dẫn đến giá bán không cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ thành công trong nuôi tôm của Việt Nam chỉ đạt 40%, thấp hơn nhiều so với Ecuador (90%) và Ấn Độ (60-70%).
Các phương pháp nuôi trồng cũng chưa hiệu quả khi mật độ nuôi cao khiến tôm dễ bị stress và nhiễm bệnh.
Trong chuỗi giá trị tôm, doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở khâu chế biến, tuy nhiên ở khâu nuôi tôm và khâu phân phối khó có thể cạnh tranh được với các đối thủ khác. Trong thời gian tới, các nước sẽ có thể bắt kịp và vượt Việt Nam cả về khâu chế biến vì các Chính phủ và doanh nghiệp của họ cũng đang rất nỗ lực đầu tư công nghệ chế biến.
Theo ông Quang, Việt Nam cần thay đổi tư duy, không nên chỉ chạy theo sản lượng mà phải chú trọng đến chất lượng và tính bền vững.
Ông đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sửa đổi quy định về sản xuất tôm giống, đồng thời cho phép các doanh nghiệp gia hóa chọn giống theo hướng chọn lọc tự nhiên để có được tôm giống kháng bệnh, thích nghi với thời tiết, khí hậu và môi trường của từng vùng nuôi.
Ngoài ra, ông đề nghị Nhà nước đầu tư vào hệ thống kênh cấp thoát nước riêng biệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong quá trình nuôi trồng. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển vật tư nông nghiệp sinh học, giúp giảm thiểu tác động môi trường và tạo ra một nền nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.
Ông đề xuất phát triển các khu phức hợp bao gồm công nghiệp chế biến, công nghiệp nuôi trồng và khu dân cư đô thị tiện ích. Đặc biệt, Minh Phú sẵn sàng đầu tư xây dựng các khu công nghiệp tôm tại Kiên Giang, Cà Mau, cùng với hai trung tâm xúc tiến nông sản tại Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, để thực hiện các dự án này, ông Quang kiến nghị Nhà nước hỗ trợ khâu quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Xem thêm