Người đưa Stapimex vượt mặt "vua tôm" Minh Phú
Ba năm trở lại đây, STAPIMEX đã trở thành "hiện tượng" ngành tôm lọt top 2 nhà xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất Việt Nam năm 2020 và vượt mặt "vua tôm" Minh Phú của ông Lê Văn Quang. Thành quả này không thể không nhắc đến vị thuyền trưởng Trần Văn Phẩm.
"Hiện tượng" ngành tôm là từ khóa mà giới truyền thông ưu ái dành cho CTCP Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) sau khi STAPIMEX đã có những bước nhảy vọt trong 3 năm trở lại đây để đưa mình vào Top 2 nhà xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất Việt Nam năm 2020 và dẫn đầu trong tháng đầu tiên năm 2021.
Trong 10 năm trở lại đây, vị thế của STAPIMEX trong bảng xếp hàng Top 10 luôn có sự trồi sụt và có thể ổn định ở vị trí Top 3 trong các năm 2013, 2015, 2016. Với thành quả đạt được trong năm 2020, đây là lần thứ 2 STAPIMEX trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 2 của năm (lần đầu vào năm 2014).
Không dừng lại ở đó, STAPIMEX vượt mặt Tập đoàn Minh Phú của ông Lê Văn Quang để trở thành doanh nghiệp tôm báo lãi lớn nhất năm 2020 với lãi ròng đạt 757 tỷ đồng cao gấp 1,2 lần "vua tôm" Minh Phú (617 tỷ đồng) và 3,3 lần Fimex VN (225 tỷ đồng).
STAPIMEX còn "gây sốc" cho giới đầu tư khi chia thực hiện chia cổ tức năm 2020 cho các cổ đông bằng tiền, tỷ lệ 100%, duy trì được tỷ lệ cổ tức bằng trên trên 50% trong 6 năm liền. Tuy nhiên, cả con số lợi nhuận đạt được và cổ tức thực hiện của STAPIMEX vẫn không ấn tượng bằng chỉ tiêu lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS).
Trong 5 năm gần nhất, EPS của STAPIMEX đã tịnh tiến cấp số nhân và phá vỡ mọi kỷ lục của các doanh nghiệp đại chúng được biết đến, khi EPS năm 2016 chỉ mới ở mức 7.083 đồng/cổ phiếu thì đến năm 2020 EPS đạt mức 108.042 đồng/cổ phiếu.
Đến cuối năm 2020, tổng tài sản STAPIMEX chỉ hơn 1.845 tỷ đồng, với khoảng 25% tổng tài sản là trữ tiền; vốn điều lệ ổn định khoảng 15 năm, ở mức 77,5 tỷ đồng. Trong khi đó, Minh Phú của ông Lê Văn Quang có tổng tài sản là 8.935 tỷ đồng, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, EPS năm 2020 đạt 3.245 đồng/cổ phiếu. Tương tự các chỉ tiêu trên tại Fimex VN lần lượt là 1.711 tỷ và 490 tỷ đồng, EPS 4.607 đồng/cổ phiếu.
Dĩ nhiên, thành công của 1 doanh nghiệp là thành quả của cả một tập thể, là sự đồng thuận của các thành viên HĐQT và Ban lãnh đạo. Nhưng thành công của STAPIMEX không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của vị thuyền trưởng Trầ Văn Phẩm.
Ông Trần Văn Phẩm sinh năm 1967 và "bén duyên" với STAPIMEX từ năm 1990. Với hơn 30 năm gắn bó với STAPIMEX, ông Trần Văn Phẩm nắm giữ 2 vị trí chủ chốt của STAPIMEX là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc điều hành.
Trong đó, ông Trần Văn Phẩm từng kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch và Tổng giám đốc của STAPIMEX ngay sau khi doanh ghiệp hoàn thành cổ phần hóa (2006, 2007). Từ năm 2008 đến tháng 4/2020 ông Trần Văn Phẩm giữ vị trí Tổng giám đốc điều hành tại STAPIMEX, trước khi trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT và thôi kiêm nhiệm Tổng giám đốc.
Với trình độ Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, ông Trần Văn Phẩm định hướng lái con thuyền STAPIMEX theo hướng "chung nâng tầm nghành chế biến và xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam trên thị trường quốc tế bằng các giá trị an toàn, dinh dưỡng cao mà không làm tổn hại đến lợi ích người chăn nuôi, người lao động và môi trường cho thế hệ tương lai".
Theo ông Trần Văn Phẩm, mục tiêu phát triển bền vững và lớn mạnh của STAPIMEX là đảm bảo các tiêu chuẩn trách nhiệm về môi trường, trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội, dung hòa được lợi ích của người nuôi tôm và nhà máy chế biến, lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, lợi ích của khách hàng và nhà cung cấp. Trong mọi hoạt động sản xuất, STAPIMEX đều chú trọng phát triển của công ty gắn liền với sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương và đất nước.
Tháng 10/2014, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xét xử thứ tám (POR8) về thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, với mức thuế cao nhất từ trước đến nay áp dụng cho STAPIMEX là 9,75% áp dụng từ 1/2/2012 đến 31/1/2013. Phán quyết này đã ảnh hưởng mạnh đến Stapimex và ngành nuôi trồng tôm Việt Nam.
Dù vậy, ông Trần Văn Phẩm vẫn cảnh giác, "giảm thuế suất, nếu tăng các rào cản thương mại, việc xuất khẩu tôm vẫn gặp khó khăn như thường. Mức thuế chỉ là lợi thế bên ngoài. Chỉ khi nào doanh nghiệp xây dựng được lợi thế nội lực, chúng ta mới chủ động. Để được như vậy, ngành tôm Việt Nam còn nhiều việc phải làm".
Hay như đối với năm 2020 -2021, ông Trần Văn Phẩm đánh giá đây chính là thời điểm để ngành tôm phát triển khi dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa đi qua, nhưng lượng tôm nguyên liệu còn tồn kho thế giới đã giảm khá nhiều, khiến giá tôm hiện đang tăng rất cao.
Xem thêm