Quảng Bình: Người nuôi trồng thủy sản ở xã Hạ Trạch (Bố Trạch): Nỗi lo... trắng tay!
Là địa phương có nhiều lợi thế về tự nhiên, xã Hạ Trạch (Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) từng bước phát triển trở thành vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh. Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng NTTS ở nơi đây lại rất “mẫn cảm” trước nhiều yếu tố bên ngoài tác động. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thời tiết bất lợi trong năm 2021 thêm một lần nữa khiến cho nhiều hộ NTTS đối mặt với nguy cơ trắng tay.
Nghề bấp bênh
Xuất phát từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi của xã, bắt đầu từ năm 2015, người dân xã Hạ Trạch mạnh dạn đấu thầu những vùng đất trũng thấp, mặn, lợ ven sông Gianh, diện tích trồng lúa thu nhập thấp để tiến hành chuyển đổi, cải tạo, xây dựng ao hồ NTTS. Giai đoạn 1995-2000, có khoảng 50 hộ dân tham gia, diện tích NTTS khoảng 50ha.
Qua những bước thử nghiệm ban đầu thành công, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân xã Hạ Trạch xác định NTTS là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế-xã hội.
Từ năm 2010 đến năm 2020, thông qua công tác chuyển đổi, quy hoạch vùng, xã Hạ Trạch nâng diện tích NTTS lên hơn 200ha, thu hút gần 200 hộ dân tham gia. Sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt 300 tấn, chủ yếu là tôm, cua, các loại cá có giá trị thương phẩm cao, phục vụ cho xuất khẩu.
Khu vực NTTS của người dân xã Hạ Trạch ven sông Gianh.
Giá trị, tỷ trọng NTTS liên tục gia tăng trong cơ cấu kinh tế góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nếu năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29 triệu đồng/năm thì đến năm 2020 tăng lên 40 triệu đồng/năm.
Bên cạnh những thành công, hiệu quả kinh tế từ NTTS đưa lại, những năm qua, người dân xã Hạ Trạch vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo “đánh bạc với trời”. Ngoài thiên tai, lụt bão hàng năm, năm 2016, sự cố ô nhiễm môi trường biển khiến người dân NTTS ở xã Hạ Trạch hoàn toàn trắng tay.
Ông Nguyễn Văn Sáng, một chủ trang trại NTTS tại thôn 9 đếm từng ngón tay kể: “Lũ lụt thì năm nào chẳng có, nặng nhất vào các năm 2010, 2013, 2016, 2020 và giờ lại đang đối mặt với mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 5. Đó là thiên tai, rồi sự cố ô nhiễm môi trường biển, bây giờ là mối lo kép lụt lội và đại dịch Covid-19. Nghề NTTS hết sức bấp bênh, được nhiều nhưng mất nhiều hơn”, ông Sáng nhấn mạnh.
Lo… trắng tay!
Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch Lưu Bá Lâm cho biết: “Năm 2021, diện tích NTTS toàn xã lên tới 260ha, tăng 60 ha so với năm 2020, trong đó có 180ha ao hồ mặn lợ và 80ha nước ngọt. Tháng 9, 10 là thời điểm thu hoạch đại trà tôm, cua, cá lại nhằm lúc đại dịch Covid-19 bùng phát.
Cán bộ, nhân dân trong xã nghiêm túc chấp hành các quy định phòng, chống dịch. Nguồn thủy sản đến kỳ khai thác, thương lái không đến thu mua vì giãn cách xã hội, nên đang tồn đọng lớn trong dân. Mùa mưa bão cận kề, thất thu về nguồn lợi thủy sản đang hiện hữu trước mặt”.
Hộ gia đình ông Lê Chiêu Năm ở thôn 2 có 30.000m2 mặt nước mặn lợ ven sông Gianh, thả 15.000 cua giống. Hiện tại, cua của gia đình ông cũng như các hộ NTTS khác trong xã đã quá thời gian khai thác, trọng lượng bình quân từ 2 đến 3 con/kg. “Bình thường giá thương lái mua sỉ 350 nghìn đồng/kg cua thịt, 500 nghìn đồng/kg cua gạch. Nay giá rớt xuống, cua thịt còn 200 nghìn đồng/kg, cua gạch 300 nghìn đồng/kg mà chẳng thấy ai liên hệ. Cua không tiêu thụ được vì đại dịch Covid-19, lụt bão cận kề. Để đối phó với mưa bão, gia đình phải mua lưới về giăng quanh hồ cố gắng giữ chờ hết giãn cách xã hội, vớt vát được đồng nào hay đồng đó, có cái tái đầu tư cho mùa sau”, ông Năm cho hay.
Ông Nguyễn Văn Sáng với nỗi âu lo vì sản phẩm không tiêu thụ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai.
Với trang trại quy mô lên đến hơn 25.000m2, đầu tư xây dựng, nạo vét ao hồ, cơ sở vật chất hàng chục tỷ đồng, gia đình ông Nguyễn Văn Sáng là một trong những chủ hộ NTTS lớn nhất ở xã Hạ Trạch. Ngoài nuôi cá thịt thương phẩm, ông Sáng còn nuôi thêm các loại cá giống, như: Diêu hồng, chim trắng, rô phi, trắm, chép… Những năm “mưa thuận, gió hòa”, tổng thu nhập của trang trại ông Sáng từ 4-5 tỷ đồng.
“Trước dịch, gia đình xuất bán được 10 tấn cá thịt. Hiện tại, trang trại còn tồn đọng 20 tấn cá thịt và hàng trăm vạn con cá giống. Bình thường mọi năm đến thời điểm này, người dân NTTS ở xã Hạ Trạch thu hoạch xong. Bây giờ, thương lái không đến thu mua nên chúng tôi cứ giữ nguyên thủy sản trong hồ, phó mặc cho trời, nguy cơ trắng tay là rất lớn nếu lũ lụt xảy ra”, ông Sáng chia sẻ.
Nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn về tiêu thụ sản phẩm để “chạy lũ” trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, UBND xã Hạ Trạch cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân.
“Chính quyền địa phương thông báo cho người dân NTTS có sản phẩm số lượng lớn cần tiêu thụ thống kê, đăng ký với UBND xã, để UBND xã báo cáo cho huyện và đề xuất với thương lái, các địa phương khác trong huyện “giải cứu”. Xã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đại lý đủ điều kiện bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch vào địa bàn thu mua sản phẩm; phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ liên kết, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm trong nội bộ hội viên các cấp của mình…”, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch Lưu Bá Lâm cho biết thêm.
Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch Lưu Bá Lâm chia sẻ: “Mục tiêu đến năm 2025, xã Hạ Trạch nỗ lực nâng tổng sản lượng khai thác từ NTTS lên 400 tấn, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người lên 62 triệu đồng/năm. Ngoài việc mở rộng diện tích; áp dụng khoa học, kỹ thuật, con giống; chú trọng bảo vệ môi trường; thâm canh tăng năng suất…, Đảng bộ, chính quyền xã cần có một chiến lược cụ thể, lâu dài để phát triển NTTS bền vững. Giải pháp căn cơ là bảo đảm ổn định đầu ra; giúp người NTTS ứng phó chủ động, “có trách nhiệm” trước thiên tai, dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng NTTS phải “đánh bạc với trời” như hiện tại”.
Thanh Long - Báo Quảng Bình
Xem thêm