Vì sao gần hết quý 1, xuất khẩu thủy sản vẫn trầm lắng?
Theo một số doanh nghiệp, hiện có hai câu chuyện tác động lớn đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
"Giai đoạn này, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng vừa quá cao vừa không ổn định. Từ đó, giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Giữa giá thành và năng lực cạnh tranh ra các thị trường, doanh nghiệp nào cũng loay hoay", vị này cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Nam (công ty xuất nhập khẩu thủy sản ở quận 7, TP.HCM) nhìn nhận chi phí cho thức ăn chăn nuôi là một chi phí đầu vào, quyết định không nhỏ giá thành sản phẩm thủy sản nuôi.
Ông Nam nói: "Khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm đến 90% giá thành thức ăn nuôi thủy sản, nhưng có mức giá, mức thuế nhập khẩu cao. Các hộ nuôi trồng thủy sản, lẫn công ty thu mua cũng gặp trở ngại về mức giá, lời lãi".
Ngoài lý do thức ăn chăn nuôi thủy sản giá tăng cao, ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cũng nêu ra lý do thứ 2 khiến xuất khẩu thủy sản "buồn bã" quý đầu năm. Đó là liên quan đến thị trường Hàn Quốc. Đây là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, trong đó có ngành hàng tôm.
Theo ông Hòe, mỗi năm Việt Nam cung cấp hơn 50% trong số 100.000 tấn tôm nhập khẩu của Hàn Quốc.
"Theo các doanh nghiệp thông tin, sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này đang bị yêu cầu đấu giá mua quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam, với giá 14-16% giá trị nhập khẩu. Nếu ngoài quota, mức thuế nhập khẩu là 20%.
Như vậy, nhập khẩu tôm chịu mức thuế 14-20% là chưa đúng tinh thần của Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã thực thi từ năm 2015. Tôm Peru vào thị trường này không có quota và được hưởng mức thuế 0%", ông Hòe giải thích.
Cũng theo ông Hòe, VASEP đã gửi công văn tới Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, các ban ngành có liên quan rà soát, kiến nghị với phía Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Theo THẢO THƯƠNG - BÁO TUỔI TRẺ
Xem thêm