Cà Mau: Nuôi tôm kiểu gì mà giảm chi, tăng thu, nông dân râm ran mách nhau?
Tại xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), thời gian gần đây bà con nông dân râm ran bàn nhau câu chuyện nuôi tôm sú sử dụng chế phẩm sinh học. Đây là mô hình được kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen nuôi tôm theo hướng nâng cao giá trị tại địa phương.
Thay đổi thói quen canh tác
Xuất phát từ mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân, từ tháng 7/2021, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đầu tư xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi tôm sú tại xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển.
Theo đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đầu tư con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và tổ chức tập huấn cho các thành viên tham gia dự án với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Dự án có 5 hộ thuộc HTX nuôi tôm sinh thái Đại Đoàn Kết ở ấp Xẻo Lá, xã Viên An Đông tham gia, với diện tích thực hiện 4ha. Ngoài ra, 5 hộ dân tham gia thực hiện bỏ ra vốn đối ứng để kết hợp nguồn kinh phí được hỗ trợ đầu tư vào mô hình.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thành lập Ban quản lý dự án do bà chí Trần Thị Quyết - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh làm trưởng ban.
Ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Viên An Đông cho hay: "Thông qua triển khai dự án này, nông dân sẽ dần hoàn thiện kiến thức để có thể chủ động duy trì và triển khai nhân rộng mô hình. Từ đó tạo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm tôm sú của mình để tiêu thụ trực tiếp hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các tổ chức, doanh nghiệp một cách dễ dàng, với giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp thay đổi dần tư duy và tập quán canh tác trong sản xuất của hội viên nông dân".
Dự án đặt mục tiêu giúp nông dân thu lợi nhuận từ tôm/ha đạt khoảng 200 triệu đồng/vụ, tăng hơn 50 triệu đồng so với khi chưa thực hiện mô hình.
Đầu tư mô hình nuôi tôm sú bài bản
Theo ông Phan Minh Ký - Giám đốc HTX nuôi tôm sinh thái Đại Đoàn Kết, Tổ trưởng tổ thực hiện dự án nuôi tôm sú ứng dụng chế phẩm sinh học, các hộ tham gia được đầu tư giống tôm và vật tư chất lượng tốt, đạt chuẩn, phù hợp với vùng nuôi tôm.
Đây là một mô hình mang tính bền vững, góp phần thúc đẩy các tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng, thương hiệu.
Dự án còn giúp các hộ tham gia tiếp cận và áp dụng đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học như: Dùng chế phẩm vi sinh bón định kỳ xuống ao nuôi, nước thải phải qua xử lý mới đưa ra môi trường bên ngoài… Do đó đã và sẽ giúp giảm đáng kể ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm.
-
Biến vùng đất sa mạc thành ao nuôi tôm càng xanh ở Ninh Thuận, chàng trai nông dân Chăm trở thành tỷ phú
Cụ thể, ở dự án mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đầu tư, nông dân sẽ xây dựng mô hình nuôi tôm sú 3 giai đoạn. "Vào giữa tháng 11/2021, nông dân tham gia dự án đã được hỗ trợ tôm giống để thực hiện mô hình. Tôm giống được nông dân thả nuôi gièo trên ao bạc từ 7-10 ngày. Sau đó, tôm được thả nuôi từ 1,5-2 tháng ở diện tích vuông được bao dí khoảng 2.000m2.
Cuối cùng, tôm mới được thả ra vuông tôm lớn. Trong quá trình này, nông dân được hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học và cho tôm ăn bài bản" - ông Ký cho biết.
Cũng theo ông Ký, khi tham gia thực hiện mô hình, ông và các nông dân được cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn. Trước mắt nông dân giảm đáng kể lượng con giống khi sản xuất. Bên cạnh đó, nuôi tôm 3 giai đoạn sẽ giúp nông dân kiểm soát được nguồn nước, thức ăn, từ đó nâng tỷ lệ thành công.
Hiện nông dân thực hiện dự án đang tiến hành nuôi tôm ở giai đoạn 2. Qua quá trình quan sát, các hộ tham gia cho biết tôm đang phát triển rất tốt, đạt số đầu con, khả năng thích ứng với môi trường cao.
Bà Trần Thị Quyết - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Cà Mau nhận định: "Các hộ nông dân trong xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển nói chung, đặc biệt là các hộ hội viên trực tiếp tham gia mô hình được nâng cao kiến thức, kỹ thuật trong việc sản xuất theo chuỗi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ổn định. Qua mô hình giúp hội viên, nông dân thật sự đoàn kết, gắn bó và tin tưởng tham gia vào tổ chức Hội nhiều hơn".
Chúc Ly
Xem thêm