Tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp thủy sản

14/02/2023 | 289 |
0 Đánh giá

Theo bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ được cải thiện và xuất khẩu thủy sản quay lại đà tăng trưởng từ quý 2/2023.

PV: Số liệu cho thấy, tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà giảm, bà đánh giá thế nào về thực trạng này?

Bà LÊ HẰNG: Đây không phải là điều bất ngờ mà đã được dự liệu từ cuối năm 2022. Năm 2022 xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục với 11 tỷ USD nhưng đó là kết quả thành công của 3 quý đầu năm liên tục tăng trưởng dương ở mức cao từ 34-46% so với cùng kỳ năm trước. Từ quý 4/2022, xu hướng xuất khẩu đã đảo chiều sang tăng trưởng âm hơn 9% và giảm sâu ở tất cả các ngành hàng do tác động của lạm phát ở các thị trường. Từ số liệu thống kê cũng như thực tế cho thấy, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ khó sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo chưa có nhiều cải thiện.

Có ý kiến cho rằng, trong thách thức vẫn có cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Ý kiến của bà?

- Dự báo năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro. Tuy nhiên việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn. Sự hồi phục thị trường này cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý II/2023. Bên cạnh đó, ngành thủy sản vẫn có thể lạc quan vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông… Đơn cử như cá tra mặc dù tới quý cuối năm 2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã rơi xuống mức thấp nhất năm với 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021 trước tác động của lạm phát khiến đơn hàng từ các thị trường giảm, nhưng so với các ngành hàng khác, cá tra vẫn có triển vọng khả quan hơn trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá tra. Với 712 triệu USD trong năm 2022, cá tra chiếm 40% xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc, là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Chi phí vận chuyển hàng hóa cũng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại.

Đối với thị trường Mỹ, diễn biến cung cầu cá thịt trắng đang có lợi cho cá tra. Các chuyên gia và các thương gia tại thị trường Mỹ đều nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường Mỹ trong năm 2023. Những kỳ vọng đó có thể mang lại niềm tin về khả năng hồi phục cho các doanh nghiệp (DN) cá tra năm 2023.

Theo bà đâu là khó khăn cần tháo gỡ để DN xuất khẩu thủy sản tăng tốc trong năm 2023?

- Để khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu, vấn đề quan trọng nhất là các DN thủy sản cần đảm bảo “sức khỏe” tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục để có thể đáp ứng nguồn cung. Hiện điều kiện cho môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nhiều hơn. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng là cơ sở hạ tầng và logistics cho sản xuất - xuất khẩu thuỷ sản ở khu vực trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long đang nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư lớn, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho hoạt động sản xuất - xuất khẩu thuỷ sản tại đây. Tuy nhiên các DN cũng mong muốn ngành chức năng cần sớm tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách quản lý chuyên ngành đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, để hỗ trợ kịp thời cho DN. Đó là vướng mắc lớn về quy định ngưỡng phospho (quá nghiêm ngặt) tại QCVN 11-MT:2015 cho nước thải chế biến thuỷ sản cũng như tại Dự thảo QCVN nước thải công nghiệp 2021 và chưa có quy định riêng về tiêu chuẩn nước thải ao nuôi tôm-cá tra thâm canh. Thứ hai, đó là bất cập về việc bùn thải thủy sản chưa được phân loại là mã TT-R (là mã cho chất thải rắn công nghiệp thông thường). Thứ ba, là bất cập về quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Bên cạnh đó, 2 vấn đề hiện cũng đang là gánh nặng chi phí với DN thủy sản, đó là: Quy định mức thu kinh phí công đoàn 2% quỹ lương và quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao. Hai vấn đề này đều được VASEP và các Hiệp hội có văn bản kiến nghị và trao đổi tại các cuộc họp với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Trân trọng cảm ơn bà!

Bảo Ngọc


Tin tức liên quan

Bình luận