Tôm hùm, ốc hương 'thấm đòn' Covid- 19
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, giá tôm ở thủ phủ tôm hùm trên vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) liên tục rớt giá. Đến nay có loại đã giảm hơn 1 triệu đồng/kg nhưng chưa có dấu hiệu chững lại.
Tôm hùm nuôi tại vịnh Vân Phong đã đạt cỡ xuất bán nhưng người mua nhỏ giọt
ẢNH: TRÂN NHUNG
Người nuôi tôm thiệt hại kép
Những ngày qua, người nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong, H.Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa như ngồi trên lửa khi giá thực phẩm nuôi tôm (mồi) tăng “chóng mặt”, trong khi giá tôm thương phẩm lại giảm mạnh. Đáng lo hơn, tuy giá hạ nhưng các thương lái chỉ mua nhỏ giọt, nhiều hộ không trụ nổi muốn bán tháo nhưng vẫn gặp khó.
Ông Nguyễn Tường Vinh có 20 bè nuôi tôm hùm với hơn 100 lồng tôm tại khu vực biển Tu Bông, H.Vạn Ninh, cho biết hiện gia đình đang nuôi 11.000 con tôm hùm với nhiều loại kích cỡ. Trước khi dịch bùng phát, giá mồi cho tôm chỉ dưới 30.000 đồng/kg tùy loại, nhưng do việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 khiến giá mồi đã tăng 2-3 lần.
Tôm hùm nuôi trên vịnh Vân Phong ẢNH: TRÂN NHUNG |
Theo ông Vinh, với hơn 100 lồng tôm mỗi ngày ông cần mua gần 1 tấn mồi. Trước dịch, thương lái giao mồi đến tận nơi, nhưng do giãn cách, không còn ai giao hàng nên ông Vinh tự xoay xở. “Quan trọng nhất là giá mồi tăng cao khiến mỗi ngày chi phí phát sinh hơn chục triệu so với trước đó. Hồi trước dịch, mồi cua xanh khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, nhưng hiện nay đã lên hơn 80.000 - 90.000 đồng/kg, các loại khác cũng tăng gấp đôi. Nếu dịch bệnh và thời gian giãn cách kéo dài, giá mồi cho tôm hùm có thể tăng tiếp, nguy cơ thiệt hại của người dân là rất cao”, ông Vinh lo lắng.
Ngược với giá mồi tăng mạnh, giá tôm hùm lại giảm sâu, nên người nuôi thiệt hại kép. Hiện giá tôm hùm loại 3 (550g -700g) là 1,28 triệu đồng/kg, tôm hùm loại 2 (700g – 1.000g) khoảng 1,6 triệu đồng/kg, tôm hùm loại 1 (hơn 1kg) có giá hơn 2,1 triệu đồng/kg.
Tôm hùm nuôi rớt giá nhưng đang được thu mua nhỏ giọt ẢNH: TRÂN NHUNG |
Theo người nuôi tôm hùm, giá hiện nay đã giảm hơn 1 triệu đồng/kg so với cách đây 3 tháng. Cụ thể, tôm loại 3 trước đợt bùng dịch lần thứ 4 có giá hơn 2,3 triệu đồng/kg, sau đó rớt dần còn 1,6 triệu đồng/kg và hiện nay khi dịch bùng phát diện rộng chỉ còn khoảng 1,28 triệu đồng/kg. Với giá tôm và giá mồi hiện tại, người nuôi tôm cho biết sẽ lỗ nặng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.
Dễ bị ép giá
Ông Trần Hiệp, người nuôi tôm ở Đầm Môn, H.Vạn Ninh có gần 30 lồng tôm cho biết, tháng 8 âm lịch này là giai đoạn thị trường Trung Quốc “ăn mạnh” tôm hùm, đây cũng được xem là vụ chính của nghề nuôi tôm hùm nhưng hiện tại giá lại đang giảm mạnh.
Giá tôm hùm liên tục giảm từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, việc mua bán cũng trở nên khó khăn khi di chuyển trong mùa dịch. Trong khi đó, thương lái mua nhỏ giọt và người nuôi tôm đang gồng mình để xoay xở tiền mồi đang tăng theo từng ngày.
Tôm hùm từng được bày bán khắp nơi, nhưng do dịch bệnh Covid-19 người nuôi chỉ phụ thuộc và việc bán cho thương lái ẢNH: TRÂN NHUNG |
“Con tôm hùm không thể bỏ đói như một số giống khác vì chúng có thể ăn nhau khi đói, nhất là những con đang trong qua trình lột xác để tăng kích thước. Để duy trì, chúng tôi buộc cắt giảm khẩu phần để chờ giá tôm lên và mồi giảm. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng nhiều đến việc tăng trọng lượng của tôm”, ông Hiệp cho hay.
Theo tìm hiểu, giá tôm hùm đang giảm mạnh một phần xuất phát từ việc vận chuyển tôm trong dịch Covid-19 để xuất khẩu sang Trung Quốc. Một “lái” tôm cho biết, hiện nay việc vận chuyển tôm xuất khẩu đang gặp khó vì nhiều loại thủ tục để lưu thông bằng phương tiện đường bộ. Trước đây, tôm vận chuyển bằng xe ô tô xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc có giá chi phí khoảng hơn 20.000 đồng/kg, nhưng hiện nay buộc xuất khẩu theo đường hàng không nên mỗi ký tăng lên 300.000 đồng/kg.
Do đó, các lái thu mua tôm tại các lồng bè buộc hạ giá sâu để bù lỗ cho chi phí vận chuyển bằng hàng không. Một nguyên nhân khác là do Trung Quốc cũng bùng phát dịch trở lại nên ảnh hưởng đến việc tiêu thụ tôm hùm. Nhưng người nuôi thì cho rằng, do giá mồi tăng cao, nhiều hộ khó duy trì nên dễ bị các “lái” ép giá.
Cần mở rộng thị trường tiêu thụ
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội nông dân H.Vạn Ninh, nhận định tôm hùm, ốc hương là hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc nhưng đang gặp khó do ảnh hưởng dịch Covid-19.
“Giá tôm hùm bông và ốc hương trên địa bàn H.Vạn Ninh có giảm trong thời gian và việc xuất khẩu cũng gặp nhiều hạn chế. Ốc hương gần như không có thương lái thu mua, tôm hùm thì vẫn có nhưng không nhiều, một phần vì giá thấp nên nhiều hộ nuôi tôm vẫn cố gắng cầm cự đợi giá”, ông Minh cho hay.
Cận cảnh tôm hùm nuôi đạt size xuất bán ẢNH: TRÂN NHUNG |
Theo ông Minh, hiện Vạn Ninh có hơn 45.000 lồng, bè nuôi tôm hùm. Đối với tôm hùm, người dân có thể duy trì để đạt size lớn, khi bán sẽ có giá cao hơn nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá mồi có tăng gây ảnh hưởng đến việc kéo dài thời gian nuôi.
“Đa số người nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm hùm đều vay ngân hàng. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Hội đã có công văn gửi các cấp đề nghị hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản về việc giãn nợ, khoanh nợ… Tuy nhiên, nhìn chung, mùa vụ năm nay sẽ rất có khăn với các hộ nuôi trồng thủy sản, khả năng lỗ là rất cao do đầu ra giảm nhưng giá thức ăn tăng cao”, ông Minh cho hay.
Về việc tìm kiếm thị trường mới, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc các khó khăn, vướng mắc của địa phương và đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân đã có kiến nghị các bộ ngành quan tâm hỗ trợ giới thiệu các mặt hàng nông sản, thủy sản của địa phương tiêu thụ và các thị trường trong nước và nước ngoài. Cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến, phát triển các thị trường trọng điểm, tiềm năng để có thể thêm thị trường tiêu thụ mới.
Về giải pháp, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương sẽ tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản đề tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản.
TRÂN NHUNG - BÁO THANH NIÊN ONLINE
Xem thêm