Bạc Liêu: Hướng đến mục tiêu trở thành thủ phủ tôm của cả nước

04/04/2021 | 269 |
0 Đánh giá

(THPL)- “Bạc Liêu khẩn trương xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, để sớm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam nhấn mạnh.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 24/5/2017 về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với quy mô 418,91 ha (tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Đây là điều kiện rất thuận lợi để đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, nhằm thực hiện các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm sản xuất giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển ngành tôm của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tỉnh Bạc Liêu cũng phê duyệt thực hiện đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Mục tiêu của Đề án là phát triển Bạc Liêu trở thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao cho hai đối tượng tôm nước lợ chủ lực.

Đặc biệt, Bạc Liêu sẽ là nơi có sức hút các nhà đầu tư, các nguồn lực và có thể tạo được tác động lan tỏa để thúc đẩy ngành tôm và các ngành phụ trợ có liên quan đến tôm ở các tỉnh lân cận và cả nước cùng phát triển bền vững.

Diện tích nuôi tôm trên toàn tỉnh Bạc Liêu là hơn 136.000 ha, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao hơn 2.200 ha. Hiện tỉnh có 18 công ty, đơn vị, với diện tích hơn 1.500 ha đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh với nhiều công nghệ tiên tiến khác nhau bước đầu đã mang lại hiệu quả. Tỉnh Bạc Liêu hiện đang có 4 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản.

Cũng theo Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu, tính đến cuối năm 2020, đã có trên 30 doanh nghiệp đăng ký đầu tư và nhiều viện, trường đăng ký liên kết chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 tại Khu còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

Đến nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, đã thực hiện xong các hồ sơ, thủ tục triển khai giai đoạn 2. Đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu này, trong đó 5 dự án về quy trình, công nghệ nuôi tôm; 2 dự án sản xuất giống tôm; 1 dự án chế phẩm sinh học và 1 dự án thức ăn tôm.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng, nhận đinh rằng, cần sớm tháo gỡ những khó khăn để xây dựng hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; Yêu cầu các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ tối đa cho Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu kết hợp chặt chẽ với Tập đoàn Việt-Úc đưa con giống chất lượng đến người nuôi tôm, không để người dân mua con giống trôi nổi, kém chất lượng. Đồng thời, các đơn vị liên quan của tỉnh cũng phải rà soát lại những gì làm được, những gì chưa làm được trong việc thực hiện đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành ngành công nghiệp tôm của cả nước.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam, cho rằng: Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu nên làm tham mưu tốt cho UBND tỉnh thực hiện tốt hơn đề án này; Tập đoàn Việt-Úc khẩn trương xây dựng nhà máy chế biến trong Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; sớm xuất khẩu được tôm nguyên con sang Úc, 2 vấn đề này góp phần quan trọng trong việc thực hiện đề án “xây dựng Bạc Liêu trở thành ngành công nghiệp tôm của cả nước”.

Theo THPL

 


Tin tức liên quan

Bình luận