Xuất khẩu surimi và bột cá đặt mục tiêu 1 tỉ USD, kỳ vọng giúp ngành thủy sản vượt khó
Trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam thu về 300 - 420 triệu USD từ sản phẩm surimi, xuất khẩu bột cá xấp xỉ 200 triệu USD và đang hướng đến mốc 1 tỉ USD trong tương lai gần.
Ngày 22-12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức hội nghị thành lập Câu lạc bộ Surimi và Bột cá thuộc VASEP. Đây là nhóm ngành đặc trưng và tiêu biểu tạo nên chuỗi kinh tế tuần hoàn của ngành thủy sản.
Theo VASEP, trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam thu về 300 - 420 triệu USD từ sản phẩm surimi xuất khẩu, bao gồm cả surimi cá biển và surimi cá tra, chiếm 4 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (surimi có tên gọi khác là thanh cua, với nguyên liệu chính là thịt cá xay).
Còn đối với bột cá, Việt Nam mỗi năm sản xuất 530.000 - 540.000 tấn, trong đó xuất khẩu 200.000 - 280.000 tấn, bao gồm cả bột cá sản xuất từ cá biển và bột cá sản xuất từ phụ phẩm cá tra, kim ngạch xấp xỉ 200 triệu USD.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - chủ tịch VASEP, trong số hàng trăm sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến, tươi, sống, khô… thì surimi là một phân khúc có dư địa và tiềm năng phát triển vì đặc thù phù hợp của nghề cá trong nước cũng như xu hướng gia tăng tiêu thụ của thị trường thế giới.
"Nhóm ngành này tạo công ăn việc làm và đóng góp đáng kể cho kinh tế thủy sản và chăn nuôi. Trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng chính như tôm, cá tra... gặp nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh chế biến và phát triển ngành hàng surimi và cá bột là rất cần thiết", bà Sắc nhận định.
Theo ngành thủy sản, với hơn 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng chả cá và surimi qua hơn 40 thị trường, hoạt động xuất khẩu ngành hàng này của Việt Nam đang rộng mở và còn dư địa rất lớn.
Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chả cá và surimi số một của Việt Nam. Cùng với đó, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản cũng là thị trường lớn. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu đang có xu hướng giảm.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết cái khó hiện nay là sản lượng hải sản đánh bắt đang giảm mạnh và khâu bảo quản hải sản còn kém. Do đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt trong khâu bảo quản và công nghệ liên quan.
"Một công ty tại Nhật Bản đưa ra 6 miếng surimi cho khách dùng, thì miếng có nguyên liệu nhập từ Việt Nam cho chất lượng thấp nhất. Lý do là hải sản đánh bắt không được bảo quản tốt, dẫn đến chế biến ra surimi không ngon", ông Thao nói.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp cho biết dù nhu cầu thế giới tăng nhưng đã dừng sản xuất surimi từ năm 2014. Theo vị này, độ đạm trong bột cá sản xuất tại Việt Nam ở mức thấp nên không phù hợp nhu cầu. Ngoài ra, vấn đề xử lý về môi trường cũng gây khó khăn cho sản xuất hai mặt hàng này. Do đó, ngành thủy sản cần ban hành một quy trình thống nhất.
Theo ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và địa phương, nếu giải quyết được những hạn chế còn tồn tại, thì ngành surimi và bột cá sẽ sớm gia nhập vào câu lạc bộ tỉ USD trong tương lai gần.
NGUYỄN TRÍ
Xem thêm