Nỗ lực ngăn chặn hình thức khai thác thủy sản tận diệt
Khai thác thủy sản bằng các hình thức tận diệt không chỉ phá hủy tính bền vững, đa dạng của môi trường biển, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của ngư dân.
Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, một bộ phận ngư dân trên địa bàn huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận vẫn lén lút sử dụng các hình thức tận diệt để khai thác thủy sản. Cùng với các lực lượng chức năng, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng (CKC) Phú Quý, BĐBP Bình Thuận đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng ngư dân sử dụng các hình thức tận diệt để khai thác thủy sản.
Huyện đảo Phú Quý có 1.560 phương tiện/6.923 lao động, trong đó, phương tiện có chiều dài từ 15m trở lên, thường xuyên khai thác đánh bắt xa bờ có 390 chiếc. Cùng với phát triển các ngành nghề dịch vụ, du lịch, hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trên địa bàn huyện đảo thời gian gần đây phát triển mạnh mẽ. Bà con ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới nhiều tàu thuyền có công suất lớn để tham gia khai thác ở vùng biển xa, vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, vừa tham gia bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tuy nhiên, cùng với việc chấp hành tốt của phần lớn bà con ngư dân trên đảo, vẫn tồn tại một bộ phận ngư dân vì lợi ích trước mắt, sử dụng các hình thức khai thác tận diệt để đánh bắt thủy sản như: sử dụng thuốc nổ, chất độc, hóa chất cấm, công cụ kích điện.... Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, sự đa dạng sinh học, tăng nguy cơ mất tính bền vững và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình làm ăn sản xuất của ngư dân, cũng như nguồn sinh kế lâu dài của cộng đồng ngư dân trên đảo.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, Đồn Biên phòng CKC Phú Quý chú trọng thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đứng chân trên đảo đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển. Theo đó, đơn vị chủ động phối hợp cùng các đơn vị đứng chân trên địa bàn tổ chức đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi khai thác thủy sản bằng các hình thức tận diệt. Trong đó, thường xuyên phối hợp cùng các lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên bờ, trên biển, giám sát các phương tiện đang neo đậu tại bến, bãi ngang và các khu neo đậu, đặc biệt là đối với các phương tiện trước khi xuất, nhập bến.
Thiếu tá Nguyễn Quang Huynh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKC Phú Quý cho biết: “Nhờ chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, trong đó, thường xuyên tổ chức đột xuất kiểm tra các phương tiện vào các giờ cao điểm, đêm tối, thời tiết phức tạp, hay phát hiện phương tiện lạ, phương tiện có biểu hiện nghi vấn nên thời gian qua, đơn vị đã ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm, có tính răn đe cao đối với nhiều trường hợp sử dụng các hình thức tận diệt để khai thác thủy sản”.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Đồn Biên phòng CKC Phú Quý phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 9 trường hợp sử dụng hình thức tận diệt để khai thác thủy sản. Qua đó, khởi tố 1 vụ/2 đối tượng, thu giữ 8kg thuốc nổ TNT, 72 kíp nổ các loại và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 8 vụ/8 đối tượng với số tiền 100 triệu đồng, thu giữ 26 cây súng điện, cùng nhiều tang vật khác có liên quan.
Điển hình, vào rạng sáng ngày 16/10, trong quá trình tuần tra tại khu vực bờ biển thuộc xã Long Hải, tổ tuần tra của đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng là Nguyễn Thẳng (sinh năm 1974) và Nguyễn Ngay (sinh năm 1978), cùng trú tại xã Long Hải, huyện Phú Quý đang mang 8kg thuốc nổ TNT và 72 kíp nổ các loại để ra khơi khai thác thủy sản. Trước đó, chỉ trong 2 ngày 12 và 13/8, Đồn Biên phòng CKC Phú Quý phối hợp với các lực lượng phát hiện, xử lý 4 trường hợp có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, thu giữ tang vật gồm: 7 cây súng phóng điện, 60m ống hơi và 120m dây điện các loại.
Qua những vụ việc trên cho thấy, việc ngư dân vì lợi ích trước mắt, cố tình sử dụng các biện pháp khai thác tận diệt để đánh bắt thủy sản trên địa bàn huyện đảo diễn biến khá phức tạp. Vì vậy, cùng với việc tăng cường đấu tranh, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm, Đồn Biên phòng CKC Phú Quý đã cùng chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong khai thác, đánh bắt thủy sản; nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...
Thiếu tá Nguyễn Minh Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKC Phú Quý cho biết: “Không chỉ thực hiện các buổi tuyên truyền tập trung, cấp phát tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh địa phương, cử cán bộ đến tận cảng cá, lên phương tiện, gặp trực tiếp ngư dân để tuyên truyền, chúng tôi còn triển khai công tác tuyên truyền, tiếp nhận, giải đáp pháp luật thông qua mạng xã hội như: Zalo, Facebook... Qua đó, giúp ngư dân tiếp nhận thông tin dễ dàng cũng như thuận lợi nhất trong quá trình phản ánh, trình báo khi phát hiện các trường hợp nghi vấn”.
Ngư dân Nguyễn Văn Sáu, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý chia sẻ: “Được cán bộ Biên phòng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nên tôi nhận thức rõ được thiệt - hơn khi sử dụng xung điện, thuốc nổ để đánh bắt hải sản. Bản thân tôi luôn chấp hành tốt quy định, pháp luật của Nhà nước về khai thác thủy sản, đồng thời, thường xuyên nhắc nhở anh em bạn thuyền cũng như người thân về việc không được khai thác bằng các hình thức tận diệt, cũng như trình báo, tố giác với lực lượng chức năng khi phát hiện các trường hợp vi phạm”.
Qua kiểm tra, giám sát chặt chẽ kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, Đồn Biên phòng CKC Phú Quý đã phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Tuy nhiên, để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và xây dựng môi trường biển bền vững, ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng, trên hết vẫn là ý thức tự giác chấp hành pháp luật và sự chung tay của người dân trong đấu tranh, ngăn chặn nhằm loại bỏ hoàn toàn các hành vi khai thác thủy sản tận diệt. Bởi đây không chỉ là việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sự đa dạng sinh học, sự bền vững của môi trường biển, mà còn là việc tự bảo vệ, gìn giữ sinh kế lâu dài của chính ngư dân.
Trung Thành
Xem thêm