Chuyện vua thép, vua tôm bị đánh thuế cao

09/03/2021 | 590 |
0 Đánh giá

(PLO)- Ngày càng có nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị các nước kiện áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Vua tôm” Việt Nam - ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, vừa đón tin vui khi Mỹ hủy bỏ quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nhập vào thị trường này. Không chỉ Minh Phú mà nhiều công ty khác cũng thoát các vụ kiện tương tự.

Để có được kết quả này, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía bộ ngành, hiệp hội thì bản thân doanh nghiệp đã chủ động ứng phó nên thoát các vụ kiện phòng vệ thương mại một cách hiệu quả.

Được trả lại khoản thuế đã tạm nộp

Ngày 13-10-2020, cơ quan chức năng của Mỹ đã quyết định áp thuế chống phá giá (khoảng 10% thay vì 0%) với tôm xuất khẩu của Tập đoàn Minh Phú. Lý do, công ty này vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá.

Trước cáo buộc này, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú, cho biết: Tập đoàn đã cùng đội ngũ luật sư làm việc căng thẳng với cường độ cao để cung cấp cho Mỹ số lượng thông tin và hồ sơ khổng lồ. Sau khi xem xét, phân tích hồ sơ của Minh Phú, phía cơ quan hải quan Mỹ phải công nhận sự trung thực trong báo cáo của tập đoàn.

Điều này đồng nghĩa Minh Phú được tiếp tục xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá. Đồng thời, công ty cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã phải tạm nộp trước đó.

“Chúng tôi chủ động cung cấp trung thực cho phía cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu về quá trình sản xuất, xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Đồng thời phải cho phía cơ quan điều tra nước nhập khẩu thấy được sự hợp tác với nỗ lực cao nhất cùng những bằng chứng đáng tin cậy và đầy đủ” - ông Quang chia sẻ.

Ví dụ Minh Phú chủ động báo cáo có 13 kg tôm Ấn Độ đã lọt vào một container hàng xuất khẩu đi Mỹ, cho thấy Minh Phú đã trung thực và hợp tác đầy đủ với cơ quan hải quan Mỹ. Bên cạnh đó, để tránh vạ lây từ việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá, dù thiếu nguyên liệu sản xuất nhưng Minh Phú quyết định ngừng nhập khẩu tôm nguyên liệu Ấn Độ. Thay vào đó, công ty đã quyết định mở rộng vùng nuôi trong nước, tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại để đổi mới con giống, công nghệ nuôi.

Những yếu tố quyết định chiến thắng

Nhiều công ty khác cũng thoát khỏi việc áp thuế cao từ các thị trường nhập khẩu nhờ có cách làm bài bản. Đây là kinh nghiệm có giá trị cho các nhà xuất khẩu khác của Việt Nam.

Đơn cử, Tập đoàn Hòa Phát - một ông lớn ngành thép thoát kiện chống bán phá giá từ Mỹ năm 2018 là một ví dụ. Mới đây nhất, thép Hòa Phát còn thoát kiện điều tra chống bán phá giá tại thị trường Canada, tiếp đó không bị áp thuế khi xuất khẩu sang EU. Trước đó, phía Úc cũng tuyên bố thép Hòa Phát không bán phá giá thép cuộn sang thị trường này.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết những năm qua, ngành thép đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước. Tuy nhiên, nếu công ty chủ động vẫn có thể phòng tránh tốt, như trường hợp thép Hòa Phát thoát nhiều vụ kiện nhờ chủ động phối hợp và chứng minh xuất xứ.

“Tập đoàn này đã chủ động phối hợp với cơ quan điều tra trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ mọi thông tin, tài liệu, chứng cứ… theo yêu cầu. Đồng thời, tích cực phản biện các lập luận của nguyên đơn và cung cấp, bổ sung đầy đủ hồ sơ chứng minh” - ông Sưa nhận xét.

Ngoài việc phối hợp trong các vụ kiện, đại diện các doanh nghiệp cũng cho hay cần đẩy mạnh công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, rõ ràng về xuất xứ… cũng là những yếu tố quyết định chiến thắng. Tiêu biểu như Tập đoàn Hòa Phát sở hữu chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ quặng sản xuất thép cán nóng đến sản phẩm tôn thép và phân phối. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hạn chế tối đa việc vạ lây bị kiện lẩn tránh thuế, chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu.

Chặn công ty ngoại núp bóng để gian lận

Năm 2020 là một năm tăng trưởng của ngành gỗ trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, năm 2020 cũng là năm ngành gỗ liên tiếp bị kiện chống bán phá giá từ các thị trường nhập khẩu.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), nhận định ngành gỗ liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, trong đó có các vụ kiện của Mỹ và Hàn Quốc. Đây là tình huống mà công ty trong ngành và các hiệp hội ngành gỗ từng cảnh báo và lường trước, nhất là khi đã phát hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đầu tư quá nhiều vào ngành gỗ và có những biểu hiện nghi ngờ là mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi nước khác.

“Ngành gỗ bị rơi vào điều tra mà nguyên nhân được cho là có hành vi gian lận thương mại và lẩn tránh thuế. Thông tin từ các hiệp hội địa phương cũng cho biết hiện có một số công ty Trung Quốc đang thuê pháp nhân một số công ty của Việt Nam để nhập khẩu những sản phẩm đã hoàn thiện rồi xuất khẩu. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần cùng hiệp hội và doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại, xử lý nghiêm tình trạng núp bóng doanh nghiệp Việt Nam để gian lận thương mại” - ông Lập nói.

Bà Phan Mai Quỳnh, Phó Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ thuộc Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần sớm xây dựng đội ngũ về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong nội bộ, không nên đến lúc bị điều tra mới lo ứng phó.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần lưu ý xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Đã kháng kiện thành công nhiều vụ

Theo Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương, các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng cả về số lượng và quy mô. Tính đến hết tháng 9-2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỉ USD.

Đa số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như thủy sản, nhôm, thép, gỗ dán, vật liệu xây dựng, hóa chất…

Tuy nhiên, ta đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp) đối với 65/151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỉ lệ khoảng 43%. Đặc biệt là nhiều mặt hàng như thủy sản, sắt thép, gỗ… mặc dù bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp. 

Theo Báo Pháp Luật TP.HCM


Tin tức liên quan

Bình luận