Xuất khẩu ngày 20-22/3: Trung Quốc 'mạnh tay' nhập khẩu sắn từ Việt Nam, Xuất khẩu tôm tăng đột biến tại nhiều thị trường

22/03/2021 | 338 |
0 Đánh giá

TGVN. Xuất nhập khẩu khởi sắc quý I/2021; Trung Quốc tăng nhập khẩu sắn từ Việt Nam; Xuất khẩu thép 2 tháng đầu năm tăng hơn 67%... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 20-22/3.

(Nguồn: Afamily)
Trung Quốc là thị trường chính của sắn Việt Nam. Giá sắn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong tháng đầu năm 2021 cũng tăng cao. (Nguồn: Afamily)

Xuất nhập khẩu khởi sắc quý I/2021

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3 (từ ngày 1-15/3) đạt 26,36 tỷ USD, tăng 22% (tương ứng tăng 4,76 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2021.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3 đạt 122,21 tỷ USD, tăng 24,2%, tương ứng tăng 23,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Trong kỳ 1 tháng 3, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 239 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/3, Việt Nam xuất siêu 1,81 tỷ USD.

Như vậy, dù chưa kết thúc quý I/2021, nhưng với kết quả này và đà tăng trưởng liên tiếp gần đây có thể thấy hoạt động xuất nhập khẩu đang có sự khởi đầu năm mới ấn tượng.

Liên quan đến thông tin đáng chú ý trong nửa đầu tháng 3, Tổng cục Hải quan ghi nhận, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt 13,3 tỷ USD, tăng 30% (tương ứng tăng 3,07 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 2/2021.

Xuất khẩu tăng mạnh ở một số nhóm hàng chủ lực như: dệt may tăng 565 triệu USD, tương ứng tăng 79,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 398 triệu USD, tương ứng tăng 22,6%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 392 triệu USD, tương ứng tăng 32,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 281 triệu USD, tương ứng tăng 69,7%...

Tính đến hết 15/3, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,01 tỷ USD, tăng 22,7% tương ứng tăng 11,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu thép 2 tháng đầu năm tăng hơn 67%

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 2 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu thép các loại đạt trên 1 triệu tấn và tăng 67,4% so với cùng kỳ.

Số liệu cụ thể của VSA cho thấy, đối với thép thô, cả nước đã sản xuất đạt 3.192.000 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 3.126.000 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ.

Thép thành phẩm các loại sản xuất đạt hơn 4,7 triệu tấn, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 3.897.428 tấn, tăng 31,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 1.008.987 tấn và tăng 67,4% so với 2 tháng đầu năm 2020. Đây được coi là điểm sáng của thị trường thép Việt Nam trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm.

Về tình hình sản xuất, tiêu thụ thép xây dựng, trong tháng 2, sản lượng sản xuất thép xây dựng và tiêu thụ sản phẩm đều giảm so với tháng 1 và cùng kỳ năm 2020 nhưng nếu tính chung cả 2 tháng đầu năm 2021 thì sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng vẫn giữ được đà tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, sản xuất thép xây dựng đạt 1.625.368 tấn, tăng 1,2% và tiêu thụ đạt 1.280.160 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo VSA, tồn kho thép xây dựng tính đến thời điểm 28/2 là gần 704.000 tấn. Đây là mức tồn kho để gối đầu tiêu thụ sản phẩm thép xây dựng cho các tháng tiếp theo. Tuy nhiên đây là sản lượng thép xây dựng tồn kho cao hơn so với các tháng trước.

Lý giải về tình trạng này VSA cho rằng, do trong tháng 2 chỉ có khoảng hơn 10 ngày giao dịch do kì nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Cùng với đó là tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3 tại một số địa phương, đặc biệt là khu vực Đông Bắc như Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và nhu cầu sử dụng thép xây dựng trong tháng 2.

Trung Quốc tăng nhập khẩu sắn từ Việt Nam

Theo thông tin từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 2 ước đạt 210.000 tấn với giá trị đạt 81 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 683.000 tấn và đạt giá trị 256 triệu USD.

So sánh với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 56% về khối lượng và tăng 77,9% về giá trị. Trong tháng 1, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 95,4% thị phần, gấp 2,3 lần về khối lượng và gấp 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Giá sắn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong tháng đầu năm 2021 cũng tăng cao với 242,2 USD/tấn, tăng 69% so với tháng 1.2020.

Ở thị trường trong nước, từ đầu tháng 2 đến nay, giá thu mua sắn lát tại cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) tăng lên mức 5.650 đồng/kg. Các nhà máy tinh bột sắn ở khu vực miền Trung và miền Nam tăng công suất do giá tinh bột thành phẩm, giá phụ phẩm đều cao.

Hiệp hội sắn Việt Nam cho biết, hiện nay nhiều nhà máy chế biến sắn đang thiếu nguyên liệu dù vụ sản xuất 2020-2021 theo thông lệ hàng năm còn kéo vài tháng nữa. Theo đánh giá của một số nhà máy, thời điểm cuối vụ 2020-2021 và trước khi có sắn vụ mới 2021-2022, giá sắn nguyên liệu có thể tăng lên mức kỷ lục.

Theo nhận định từ các thương nhân, giá sẽ giữ mức cao vì nguồn cung giảm. Nguồn sắn lát thu mua nhập kho vụ 2020-2021 của Việt Nam ở mức thấp, trong khi giá tinh bột sắn và giá ngô tăng dẫn đến các nhà máy của Trung Quốc ưu tiên sử dụng sắn lát nghiền. Tại cảng Quy Nhơn (Bình Định), giá chào bán sắn lát khô đi cảng Trung Quốc đã lên tới 270 USD/tấn.

Xuất khẩu tôm tăng đột biến tại nhiều thị trường

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), qua một năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19 chi phối, cơ cấu thị trường tôm xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. 2 tháng đầu năm 2021, có 67 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam, so với cùng kỳ năm ngoái có 63 thị trường.

Trong đó, có nhiều thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam có mức tăng đột biến, như Australia tăng 115%, Bỉ tăng 139%, Nga tăng 109%, Chile tăng 352%, Campuchia tăng gấp 30 lần…

Top 10 quốc gia nhập khẩu tôm Việt Nam năm 2020 bao gồm Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Canada, Anh, Đức, Hongkong. Năm nay, đã có thêm Hà Lan thế chân cho Singapore, sau khi xuất khẩu sang Hà Lan tăng mạnh 27%, trong khi xuất khẩu sang Singapore giảm lao dốc 97%.

2 tháng đầu năm nay, vị trí trong top 10 thị trường xuất khẩu tôm có sự thay đổi bởi sự đột phá trong giá trị xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Canada, Đức, Hà Lan (tăng lần lượt 14%, 115%, 14%, 20% và 27%) và sự chững lại của thị trường Nhật, Anh, Hong Kong (Trung Quốc) (giảm lần lượt 6%, 75% và 29%).

Theo Báo Quốc Tế

 


Tin tức liên quan

Bình luận