Không có lãi, nông dân dừng nuôi tôm

11/09/2021 | 668 |
0 Đánh giá

Tại Khánh Hòa, giá tôm giảm sâu, tiêu thụ chậm, trong khi giá vật tư tăng cao khiến nông dân quyết định dừng thả nuôi do không có lãi, diện tích nuôi đã giảm mạnh.

50% diện tích dừng nuôi

Ông Nguyễn Gần, một người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Vạn Thọ (Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho biết, từ đầu năm đến nay, người nuôi tôm trên địa bàn thả nuôi cũng tương đối đạt. Song giá tôm liên tục giảm khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn, thu hoạch không có lãi. 

Theo ông Gần, hiện giá tôm chỉ còn 78 ngàn đồng/kg loại 100 con/kg, trong khi đầu năm ở mức 100 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cũng rất chậm, người nuôi phải mất cả tuần gọi thương lái mới xuống được ao thu mua cho bà con.

Sau khi thu hoạch, nhiều hộ dân đã không mặn mà xuống giống mà dừng nuôi, hoặc giảm mật độ, nuôi cầm chừng. Ảnh: KS.

Sau khi thu hoạch, nhiều hộ dân đã không mặn mà xuống giống mà dừng nuôi, hoặc giảm mật độ, nuôi cầm chừng. Ảnh: KS.

“Với giá tôm hiện nay, bà con thu hoạch không có lãi mấy, thậm chí thua lỗ nặng nếu nuôi hao hụt cao. Các thương lái giải thích giá tôm giảm mạnh chủ yếu do việc vận chuyển qua các chốt kiểm soát khó khăn, cộng với một số nhà máy ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 hoặc không có công nhân làm việc”, ông Gần chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều loại vật tư như thuốc thủy sản, thức ăn, con giống… phục vụ cho nuôi tôm hiện đều tăng từ 10% trở lên. Điều này khiến nhiều người nuôi tôm như "ngồi trên đống lửa" với tâm trạng lo lắng, bởi không biết tình hình trong thời gian tới giá sẽ nhích lên hay tiếp tục hạ nữa.

Như gia đình ông Hồ Mười, ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ hiện có 4 ao đang nuôi tôm, trong đó 2 ao với tổng diện tích gần 4.000 m2 đã nuôi được 3 tháng, đến thời kỳ xuất bán vì tôm đã đạt kích cỡ từ 80 - 100 con/kg. Tuy tiên, ông Mười vẫn phải cố giữ lại nuôi để chờ giá lên.

Ông Mười than vãn, 2 ao nuôi của gia đình ông thời gian qua có hiện tượng bị bệnh phân trắng nên hao hụt nhiều, nếu thu hoạch chỉ khoảng 10 tấn là cùng. Trong khi chi phí của ông bỏ ra đầu tư đã tốn hơn 700 triệu, chưa kể công chăm sóc. Nếu bán giá tôm hiện tại sẽ cầm chắc lỗ.

Tại xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa), nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng cũng đang rầu vì giá tôm thương phẩm cũng giảm mạnh, tiêu thụ chậm khiến nuôi khó lãi. Ngay cả anh Lê Minh Chính ở xã Ninh Phú áp dụng nuôi tôm theo công nghệ Semi biofloc giảm chi phí đầu vào vừa xuất 40 tấn tôm nhưng cũng chỉ huề vốn.

Không chỉ giá giảm sâu, việc tiêu thụ tôm cũng khá chậm do các nhà máy thiếu công nhân. Ảnh: KS.

Không chỉ giá giảm sâu, việc tiêu thụ tôm cũng khá chậm do các nhà máy thiếu công nhân. Ảnh: KS.

Anh Chính cho biết, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến giá xuống thấp, tiêu thụ khó khăn nên bà con nuôi khó lãi. Vừa qua, anh nuôi tôm có ao tôm lớn cỡ 50 con/kg nhưng chỉ bán được với giá 100 ngàn đồng/kg, rất thấp. Trước tình hình hiện tại và không biết trong thời gian tới giá tôm sẽ như thế nào nên anh đã chọn giải pháp giảm diện tích thả nuôi một nửa so với bình thường.

Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho biết, hiện toàn xã chỉ có 25/52 ha đang thả tôm. Số diện tích hiện tạm dừng thả nuôi do giá tôm giống tăng và thức ăn tăng gần 2.000 đồng/kg, trong khi giá tôm thương phẩm bán ra ở mức thấp chỉ 78 - 80 ngàn đồng/kg (loại 100 con/kg), tương đương giá thành.

Ngoài ra, do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên người nuôi trên địa bàn không thể thuê được nhân công vệ sinh ao bạt, khiến nhiều diện tích chưa thả được giống.

Ông Phạm Thanh Sinh, Chủ tịch UBND xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa cho biết, toàn xã có 110 ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Thời gian qua, địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 nhưng vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân thu mua, tiêu thụ hải sản.

Đối với các doanh nghiệp, nếu đầy đủ các giấy tờ theo quy định đều được lưu thông đến địa bàn thu thu tôm. Nhờ vậy, thời gian qua trên địa bàn không có tình trạng tôm đến thời kỳ thu hoạch mà không bán được. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, giá tôm xuống thấp, hiện chỉ 78 ngàn đồng/kg (loại 100 con/kg) nên bà con thu hoạch không có lãi, thậm chí thua lỗ. Do đó, bà con sau khi thu hoạch đã thả nuôi với mật độ thấp hơn.

Phải gỡ ngay khâu lưu thông, vận chuyển

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa xác nhận, giá tôm thẻ hiện xuống thấp đã ảnh hưởng đến thu nhập người nuôi. Từ đó có tình trạng người nuôi tạm ngừng thả giống, bởi nuôi không hiểu quả, rất dễ thua lỗ. Tuy nhiên về phía Chi cục, cũng khuyến cáo người nuôi trên địa bàn cần tiếp tục duy trì thả nuôi thời điểm này với mật độ vừa phải, đáp ứng đủ cung cầu mùa dịch bệnh.

Nhiều người nuôi giảm mật độ và diện tích thả nuôi tôm. Ảnh: KS.

Nhiều người nuôi giảm mật độ và diện tích thả nuôi tôm. Ảnh: KS.

Về nguyên nhân giá tôm hiện rớt thấp, theo ông Én chủ yếu do khâu vận chuyển từ điểm thu mua đến nhà máy chế biến khó khăn, giá vận chuyển lại tăng cao. Thêm vào đó, doanh nghiệp hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” để đảm bảo phòng, chống dịch tốn kém và không có người làm.

Do đó, để giải quyết bài toán không làm đứt gãy chuỗi cung - cầu, ông Én cho rằng, mấu chốt quan trọng đầu tiên là giải quyết tốt khâu vận chuyển lưu thông hàng hóa thì mọi việc đều sẽ ổn. “Nhà nước phải tạo điều kiện khâu vận chuyển đầu vào và sản phẩm đầu ra sau thu hoạch được lưu thông được tốt. Khi đó doanh nghiệp được thu mua thuận lợi, đỡ tăng chi phí vận chuyển. Nếu khơi thông được khâu này, mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn", ông Én kiến nghị.

Cũng theo ông Én, hiện nay qua nắm bắt thông tin, các nước nhập khẩu đang cần nguồn cung tôm lớn. Đây chính là cơ hội cho nước ta để tăng diện tích thả nuôi. Tuy nhiên, chỉ do nguyên nhân thực hiện giãn cách xã hội, lưu thông vận chuyển nguyên liệu, vật tư khó khăn, chi phí bị đội lên, doanh nghiệp lại thiếu công nhân nên đây chính là rào cản lớn nhất.

Nguồn cung tôm nguyên liệu có thể tụt rất mạnh các tháng tới do người nuôi không xuống giống. Ảnh: KS.

Nguồn cung tôm nguyên liệu có thể tụt rất mạnh các tháng tới do người nuôi không xuống giống. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng nên cho chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm lãi vay, khoanh nợ… để tạo cho doanh nghiệp hoạt động vì như đã nói, việc hoạt động “3 tại chỗ” tốn kém vì lo cho lao động ăn ở tại chỗ, chi phí test Covid-19…

Ngoài ra, các địa phương cũng tạo phải tạo điều kiện thuận lợi để người nuôi chăm sóc, tiêu thụ thủy sản. Từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt khoảng 12.000 tấn. Nhờ tạo điều kiện thu mua nên thủy sản cũng từng bước tiêu thụ nên hiện không tồn nhiều.

Tôm hùm cũng giảm giá

Không chỉ giá tôm thẻ chân trắng giảm sâu, giá tôm hùm các loại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng đang giảm. Theo ông Nguyễn Ân, Chủ tịch xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, “thủ phủ” nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa, hiện giá tôm hùm xanh thương phẩm được thu mua trên địa bàn dao động từ 650 - 700 ngàn đồng/kg (loại 3 con/kg), còn tôm hùm bông từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/kg (tùy loại). So với cách đây 4 tháng, giá tôm hùm xanh có giảm từ 100 - 200 ngàn đồng/kg, còn tôm hùm bông giảm từ 200 - 400 ngàn đồng/kg.

Theo người nuôi tôm hùm ở xã Cam Bình, với mức giá tôm hùm hiện tại, người nuôi thu hoạch có lãi chút ít, chứ không lãi nhiều. Nếu giá tiếp tục hạ nữa thì nguy cơ thua lỗ.

Cũng theo ông Ân, dù giá tôm hùm hạ, song việc thu mua tôm hùm trên địa bàn vẫn diễn ra bình thường. Các thương lái được tạo điều kiện thu mua tôm cho người dân, nhưng tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Nhờ vậy đến nay, xã Cam Bình vẫn đảm bảo vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo phòng chống dịch, chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19 nào.

Được biết, 8 tháng đầu năm 2021, xã Cam Bình đã cung ứng khoảng 300 tấn tôm hùm thương phẩm và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ cung ứng thêm 100 tấn nữa.

Kim Sơ


Tin tức liên quan

Bình luận