Cả nước có gần 1.900ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh
Ngày 19-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2020 và kế hoạch công tác năm 2021.
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông cho biết, năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 46.217ha, tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2019; ngoài ra còn có khoảng 10.274 lồng, bè, bể nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại. Từ đầu năm 2021 đến nay, có hơn 1.897ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, để hạn chế dịch bệnh thủy sản phát sinh, Cục Thú y đánh giá, cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 5 cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, trong gần 3 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản đã giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng do yêu cầu về kiểm dịch thủy sản nhập khẩu của một số nước ngày càng khắt khe, đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2021, có 6/14 lô thủy sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc vi phạm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm nên các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh việc nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn để nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, nhất là mặt hàng cá tra và tôm, bảo đảm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm 2021, Bộ tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát các tác nhân gây bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên thủy sản trong khuôn khổ "Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, giai đoạn 2021-2030". Qua đó, dự báo, cảnh báo, lập bản đồ dịch tễ lưu hành dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tiếp tục kiến nghị, làm việc với cơ quan thú y có thẩm quyền các nước nhằm tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc, mở rộng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, giai đoạn 2021-2025" và tổ chức thực hiện sau khi Kế hoạch được ban hành.
Các tỉnh, thành phố theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, hiện tượng thủy sản chết nhiều và chết bất thường để hướng dẫn, đề xuất các giải pháp tổng hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh, hướng dẫn xử lý triệt để ao bệnh nhằm giảm thiểu thiệt hại, giảm thiểu nguy cơ bệnh lây lan rộng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản để hạn chế dịch bệnh phát sinh...
NGỌC QUỲNH
Nguồn tin: Hà nội mới, 19/03/2021
Ngày cập nhật: 21/3/2021
Xem thêm