Vỡ nợ vì nuôi cá tra

28/05/2021 | 291 |
0 Đánh giá

"Cá tra ăn sổ đỏ" là câu nói chua chát gần đây của dân vùng Đồng Tháp Mười sau khi nhiều người phải bán nhà, đất vì nuôi cá tra thua lỗ.

Trưa giữa tháng 5, đang vội vã pha cà phê trong quán cóc trước nhà, nghe khách hỏi thăm, bà Nguyễn Thị Bích Thủy (50 tuổi, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng) xua tay, nói nửa đùa nửa thật: "Thôi đừng nhắc cá tra nữa, ông bà mình nói muốn giàu nuôi cá, khá nuôi heo, nghèo nuôi vịt, nhưng vì con cá tra mà giờ này tui mới ra bán cà phê kiếm tiền cắc đây".

Bà Thủy quê gốc Đồng Tháp, 30 năm trước lấy chồng, sang Long An định cư, làm thuê. Sau nhiều năm tích cóp, bà mua được mảnh đất cất căn nhà cấp bốn.

Ba năm trước, hai vợ chồng mua bò từ Campuchia về nuôi vỗ béo bán lại kiếm lời. Nhưng gặp phải đợt dịch bệnh lở mồm lông móng, họ thua lỗ vụ bò hết mấy chục triệu đồng. Khi đó, trên địa bàn xã bắt đầu manh nha phong trào nuôi cá tra giống. Những hộ đầu tiên chỉ có từ vài công đến một ha đất, sau một vụ hai tháng rưỡi lời 500-700 triệu đồng. Nhiều gia đình sau vài mùa nuôi cá đã có tiền tỷ, hơn cả trúng số độc đắc, sau đó mua thêm đất đai mở rộng diện tích ao.

Hàng chục ha ao nuôi cá tra xen lẫn ruộng lúa tại ấp Gò Pháo,  Hưng Điền B, Tân Hưng giữa tháng 5. Ảnh: Hoàng Nam

Hàng chục ha ao nuôi cá tra xen lẫn ruộng lúa tại ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, giữa tháng 5. Ảnh: Hoàng Nam

Bình quân, một ha đất lúa hai vụ mỗi năm nếu suôn sẻ cho lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng, bằng một phần mười so với nuôi cá tra. Bởi vậy, chỉ trong một năm, 280 ha đất lúa tại Hưng Điền được người dân phá bỏ chuyển sang đào ao nuôi cá.

Bà Thủy cũng sốt ruột bàn với chồng vay ngân hàng, thuê 7 công đất lúa nuôi cá tra với giá mỗi công 3 triệu một năm, sau 5 năm phải san lấp ao trả cho chủ. Cộng với tiền thuê đất, múc ao, con giống, thức ăn, thuốc men... vợ chồng bà tốn trên 100 triệu đồng. Thời điểm đó giá cá tra khá cao, trên 60.000 đồng mỗi kg, do chưa có kinh nghiệm nên vụ đầu tiên, bà thu lãi chỉ khoảng 15 triệu đồng.

Cá tra bột có nguồn gốc từ An Giang, phải qua nhiều giai đoạn trung gian, từ người ép trứng nở, người chở con giống rồi mới đến ao nuôi. Từ những con cá nhỏ li ti như chân nhang, sau 2 đến 2,5 tháng, khi đạt 30-40 con một kg, nông dân xuất bán cho người nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, con cá trước khi ra thị trường, lại qua tay các "cò", đội ngũ này có khi một xã lên đến vài chục người.

Do cá tra sốt giá, những người ươm giống hám lời nên dùng thuốc ép cá bố mẹ đẻ trứng khi chưa đủ độ tuổi, dẫn đến tình trạng cá con không có vây lưng. Cá tra thương phẩm sau khi phi lê phải bỏ vây này, nhưng "cò" lẫn thương lái lấy lý do để ép giá nông dân xuống còn phân nửa.

Những vụ tiếp theo, cộng với chi phí đầu vào lớn, mỗi ha đất một lần thả cá giống tốn khoảng 10 đến 50 triệu đồng nên người nuôi tiếp tục gặp khó khăn. Mặt khác, đa số nông dân không nắm vững kỹ thuật, nên mọi khâu chăm sóc đều phải thuê các kỹ sư, phần còn lại phụ thuộc vào... ông trời.

Bà Thủy cho biết, mỗi lần cá bệnh, phải rải thuốc xuống ao, một đợt tốn ít nhất khoảng 10 triệu đồng. Lúc cá trên 20 ngày tuổi là giai đoạn quan trọng, phải thức trắng đêm canh thời tiết, "cưng như trứng mỏng".

"Có bữa, giữa đêm trời bất ngờ đổ mưa, tui với ổng phải thức dậy bơi xuồng tạt nước muối ao cá để sát trùng, vì môi trường pH thay đổi cá dễ nhiễm bệnh", bà Thủy kể. Chi phí đầu tư cao, trong khi giá cá tra liên tục bấp bênh, chỉ còn 18.000 – 25.000 đồng một kg, mỗi vụ, người nuôi như bà đều thua lỗ trên 100 triệu đồng.

Lãi mẹ đẻ lãi con, năm ngoái, sau khi tiền nợ ngân hàng đã gần 400 triệu đồng, dù còn hai năm nữa mới hết hợp đồng, vợ chồng bà đành bỏ cuộc. Thấy họ khóc lóc năn nỉ vì thua lỗ liên tiếp, chủ đất chạnh lòng không lấy tiền thuê đất hai năm còn lại. Dù vậy, bà Thủy phải tiếp tục bỏ ra khoảng 30 triệu đồng thuê máy san lấp ao. Quanh xóm, cứ 10 hộ nuôi cá thì có đến 6-7 hộ thua lỗ như bà.

Hiện 90 ha ao tại Hưng Điền được người dân san lấp trở lại để trồng lúa, cây ăn trái. Trên 100 ha tiếp tục nuôi cầm chừng hoặc chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Hơn 80 ha ao còn lại bị bỏ không, cỏ mọc ùm tùm làm bãi chăn thả trâu bò vì nhiều hộ không đủ tiền san lấp. Một số ao sau thời gian bỏ không, tiếc của nông rút cạn nước, gieo sạ lúa trở lại nhằm vớt vát chút ít.

Cách nhà bà Thuỷ 9 km, giữa trưa, ông Hai Việt, 67 tuổi, vừa trở về nhà sau khi thăm đồng lúa 2 ha được hồi sinh từ ao cá tra giống. Ông là một trong 350 hộ phá lúa đào ao nuôi cá ở xã Hưng Điền B, với tổng diện tích 650 ha.

Ông Hai Việt ngồi buồn bã bên 6 công đất ao còn lại đang cho người khác thuê, sau nhiều vụ thua lỗ trên 400 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Nam

Ông Hai Việt ngồi buồn bã bên 6 công đất ao còn lại đang cho người khác thuê, sau nhiều vụ thua lỗ trên 400 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Nam

Bốn năm trước, thấy hàng xóm nuôi cá có lời, ông Hai Việt phá 2,6 ha lúa đào ao. Vụ đầu tiên, ông thu hoạch được 3 tấn cá, lãi vài chục triệu đồng.

Sang năm sau, ông nuôi mấy mẻ nữa, nhưng giá cá tra xuống thấp vì cung vượt cầu. Từ chỗ cho nợ tiền, các đại lý thức ăn không bán thiếu cho nông dân nữa. Tiền giống, thức ăn thua lỗ trên 400 triệu đồng, hai năm trước, ông đã lấp ao. "Định trồng lúa trở lại nhưng do đáy ao tích tụ bùn, lún quá nên máy móc đều không xuống ruộng được, phải bỏ không một vụ", ông Việt nhớ lại. Còn 6 công đất ao, ông cho người khác thuê lại kiếm chút chi phí trả nợ.

Tân Hưng là huyện đầu tiên ở Long An tự phát phá lúa đào ao nuôi cá tra. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, hai năm trước, địa phương có trên 1.000 hộ chuyển sang nuôi cá với diện tích trên 1.300 ha. Dù chuyển mục đích lúa trái phép, địa phương chỉ xử phạt hành chính khoảng vài chục hộ, còn lại chủ yếu vận động tuyên truyền. Mức phạt thấp, chỉ vài triệu đồng, nên nhiều người bất chấp, một số lãnh đạo xã cũng phá lúa đào ao nuôi cá tra. Bình quân, đến 70% hộ nuôi từ lỗ đến hòa vốn.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết, tình trạng bỏ lúa đào ao tự phát nuôi cá tra giống diễn ra từ 4 năm trước, toàn tỉnh có tổng cộng trên 3.500 ha. Đến nay, diện tích nuôi cá tra giống giảm 1.900 ha, còn khoảng hơn 1.400 ha, tập trung nhiều nhất tại hai huyện Tân Hưng 780 ha và Tân Thạnh 450 ha.

Trong đó, 1.000 ha diện tích ao được lấp, trả lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa, sen, cây ăn quả hoặc nuôi thủy sản khác như cá rô, cá trê, tôm thẻ chân trắng; khoảng 885 ha vẫn còn giữ lại ao nhưng không tiếp tục nuôi vì thua lỗ.

Sở này đang đề xuất UBND tỉnh hướng dẫn các địa phương rà soát lại những vùng có điều kiện phù hợp, thuận lợi nhất để quy hoạch tập trung, quy mô lớn, hướng đến sản xuất cá tra giống bền vững. "Về lâu dài, các địa phương cần xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định", bà Khanh nói.

Sau "cơn bão cá tra giống" càn quét khắp địa bàn huyện Tân Hưng, hình ảnh dễ bắt gặp ven đường hiện nay là những chiếc xuồng nằm chỏng chơ, bên bờ ao cạn nước cùng những căn nhà cửa đóng im ỉm.

"Lê Văn Buốt, 37 tuổi, ấp Gò Chuối, từ 7 công đất nuôi lời, mua thêm 2 ha, hiện thua lỗ đã bán hết đất; Lê Văn Hửng, 47 tuổi, ấp Cây Me, thuê 5 ha đất hùn vốn nuôi cá với người khác, hiện lỗ khoảng 5 tỷ đồng; Huỳnh Vũ Khanh, 31 tuổi, có 7.000 m2, mới nuôi khoảng một năm phải bỏ ao, bán trâu bò trả nợ", danh sách hộ thua lỗ tiếp tục nối dài, được cán bộ nông nghiệp xã Hưng Điền thống kê.

 

Máy xúc đang san lấp 3 ha ao nuôi cá tra của anh Trần Hài Đăng sau nhiều vụ thua lỗ, giá thuê máy san lấp 30 triệu một ha. Ảnh: Hoàng Nam

Máy xúc đang san lấp ao nuôi cá tra ở huyện Tân Hưng. Ảnh: Hoàng Nam

Lâm cảnh nợ nần, nhưng bà Thủy cho biết mình còn may mắn hơn nhiều người khác. Nhờ có 3 đứa con đã có việc làm ổn định, cộng với thu nhập khiêm tốn từ quán nước, vợ chồng bà vẫn còn giữ được căn nhà che mưa che nắng.

Sát bên nhà bà Thủy, người hàng xóm sau vài vụ nuôi thua lỗ trên 100 triệu đồng, đã bỏ nhà lên TP HCM làm bảo vệ. Nhiều hộ sau khi thua lỗ vụ cá phải bán nhà, bán đất, bỏ xứ "đi Bình Dương" làm công nhân.

HOÀNG NAM


Tin tức liên quan

Bình luận