Để mảnh đất ‘Chín Rồng’ giàu lên từ con tôm

06/08/2021 | 411 |
0 Đánh giá

ĐBSCL đã được định hình là 'thủ phủ' tôm của cả nước. Đây là đối tượng nuôi chủ lực, tạo cú hích tăng trưởng trong nông nghiệp tại nhiều tỉnh.

Tuy nhiên, nội tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi tôm vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, cần được khắc phục để hướng tới một ngành hàng phát triển bền vững.

Bạc Liêu - Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước

Bạc Liêu có lợi thế trời phú để phát triển thủy sản với 51km bờ biển. Cũng là địa phương nằm giữa các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng – vùng trọng điểm nuôi tôm của cả nước.

Khu nuôi tôm của Công ty Cổ phần Nuôi tôm Công nghệ cao Bạc Liêu với tổng diện tích hàng chục ha.

Khu nuôi tôm của Công ty Cổ phần Nuôi tôm Công nghệ cao Bạc Liêu với tổng diện tích hàng chục ha.

Xuất phát từ tiềm năng thế mạnh của địa phương, tỉnh Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước.

“Thực hiện nhiệm vụ trên, UBND tỉnh Bạc Liêu nhận thức rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc kết nối các địa phương trong vùng để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm của Việt Nam và xây dựng thương hiệu phục vụ phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai”, ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ tại Hội nghị giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Bộ NN-PTNT tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và đại dịch Covid-19, tuy nhiên, toàn ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu vẫn tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thủy sản chiếm trên 58% giá trị toàn ngành, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, giúp tỉnh Bạc Liêu thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo tăng trưởng.

Theo ông Phạm Văn Thiều: “Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ quan trọng trong phát triển nền kinh tế của tỉnh”.

Để có kết quả trên, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm giai đoạn 1 với diện tích 419ha. Qua đó tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu và đang lập dự toán chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để tạo nền tảng, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm của cả nước.

Về sản xuất thủy sản, toàn tỉnh có hơn 300 cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống và một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thủy sản Công ty Cổ phần Việt - Úc Bạc Liêu... mỗi năm sản xuất từ 32 đến 35 tỷ con giống tôm sú và tôm thẻ giống.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, nhằm thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 339 của Thủ tướng Chính phủ, hàng hoạt mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang được nhân rộng rất tốt với tổng diện tích 3.438ha.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã chủ động kiểm soát dịch bệnh, nâng cao chất lượng tôm thương phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khó tính.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã chủ động kiểm soát dịch bệnh, nâng cao chất lượng tôm thương phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khó tính.

Ngoài ra, mô hình canh tác tôm lúa được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá phát triển bền vững và lợi nhuận cao hơn từ 15 - 30% so với độc canh cây lúa. Điều đặc biệt là mô hình nuôi tôm này hạn chế được việc sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, giúp bà con sản xuất dễ dàng, vượt qua các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu. Qua đó đem lại hiệu quả rất cao.

Mở đường để chinh phục sân chơi toàn cầu

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng có 45 hợp tác xã và 79 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản. Qua 6 tháng đầu năm 2021, các công ty đã thực hiện liên kết sản xuất với diện tích gần 1.781ha. Trên địa bàn cũng tập trung 40 nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm với công suất thiết kế 190.000 tấn/năm - đứng thứ 3 cả nước, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm tôm trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện nay, Bạc Liêu cũng đang tập trung xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới. Kết quả, đã công nhận được 1 khu sản xuất giống, làm tiền đề cho việc xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường Úc và các thị trường khó tính khác, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia của ngành tôm Việt Nam gắn với ổn định đầu ra cho thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Bạc Liêu cũng đã tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy đăng ký mã số ao nuôi cho 352 cơ sở nuôi trồng thủy sản. Công tác bảo hiểm nông nghiệp cũng đang được triển khai.

Để ngành tôm phát triển tương xứng với tiềm năng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị  Bộ NN-PTNT sớm triển khai các dự án, hệ thống công trình điều tiết bổ sung nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam cho tỉnh Bạc Liêu.

Bên cạnh đó, cần xem xét đầu tư dự án sản xuất tôm giống tập trung tại xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. UBND tỉnh đã có tờ trình gửi đến Bộ NN-PTNT.

Thứ ba, cần có cơ chế đặc thù để các hộ nuôi tôm, nhất là hộ nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tiếp cận nguồn vốn tín dụng như cho vay theo vụ, cho vay thế chấp tài sản là sản lượng tôm, cho vay theo hợp tác xã nhân dân. Bởi, chi phí đầu tư nuôi tôm công nghệ cao là rất lớn.

Đồng Thái


Tin tức liên quan

Bình luận