Tỷ suất lợi nhuận cao chót vót, 1 công ty tôm giống có EPS 30.000 đồng, định giá cao hơn cả "vua tôm" Minh Phú dù doanh thu chỉ bằng 1/10

13/04/2021 | 439 |
0 Đánh giá

Tỷ suất lợi nhuận ròng của Thủy sản Việt Úc trên 21%, cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn ngành tôm như Minh Phúc, Sao Ta, Camimex chỉ từ 4 - 5%.

 

Năm 2020, CTCP Thủy sản Việt Úc, doanh nghiệp chuyên sản xuất tôm giống đạt 1.452 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp 865 tỷ đồng, giảm 16%; tỷ suất lợi nhuận gộp 60%. Thủy sản Việt Úc thu về 309 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 37% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận ròng hơn 21%. 

Doanh thu của Thủy sản Việt Úc chủ yếu từ bán tôm giống, ghi nhận 1.209 tỷ đồng, giảm 13%. Ngược lại, doanh thu bán tôm thương phẩm lại tăng gần gấp đôi lên 236 tỷ đồng.

Giá vốn tôm giống của Thủy sản Việt Úc thấp, biên lãi gộp mảng này lên tới 76%. Trong khi đó, hoạt động bán tôm thương phẩm và bán thức ăn thủy sản đều lỗ.

Tỷ suất lợi nhuận cao chót vót, 1 công ty tôm giống có EPS 30.000 đồng, định giá cao hơn cả vua tôm Minh Phú dù doanh thu chỉ bằng 1/10 - Ảnh 1.

Cho dù cả doanh thu và lợi nhuận sụt giảm trong năm ngoái, nhưng hiệu quả kinh doanh của Thủy sản Việt Úc là hết sức đáng nể trong ngành tôm.

Vốn điều lệ chỉ hơn 103 tỷ đồng, EPS (lãi cơ bản trên cổ phiếu) của công ty năm 2020 lên tới 29.828 đồng. Năm 2019 thậm chí EPS còn đạt 47.769 đồng.

Khả năng sinh lời trên doanh thu của Thủy sản Việt Úc vượt trội nếu đem so sánh với các doanh nghiệp sản xuất tôm thương phẩm.

Năm 2020, Minh Phú (MPC) đạt 14.329 tỷ đồng doanh thu, giảm 16%. Biên lãi gộp và biên lãi ròng của công ty lần lượt ở mức 11% và 5%, EPS đạt 3.243 đồng trong năm.

Hay trường hợp của CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), doanh thu 4.433 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận đi ngang đạt 226 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp 10%, tỷ suất lợi nhuận ròng 5,1%, EPS 4.607 đồng.

Camimex doanh thu 1.425 tỷ đồng, tăng 50%; lợi nhuận ròng 60 tỷ đồng, giảm 23%. Tỷ suất lợi nhuận gộp 13%, tỷ suất lợi nhuận ròng 4,2%, EPS 1.767 đồng.

Tỷ suất lợi nhuận cao chót vót, 1 công ty tôm giống có EPS 30.000 đồng, định giá cao hơn cả vua tôm Minh Phú dù doanh thu chỉ bằng 1/10 - Ảnh 2.

Tại thời điểm kết thúc năm 2020, cổ phần Thủy sản Việt Úc chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Viet Uc Singapore 55,6%; các cổ đông Lương Thanh Văn 13,4%; Viet Uc Hong Kong 11,39%; Lotus Asia Investments 7,59%; nhóm các nhà đầu tư STIC sở hữu 9,71%...

Tuy nhiên, vào tháng 1/2021, Hội đồng quản trị Thủy sản Việt Úc đã phê duyệt việc chuyển nhượng 5,76 triệu cổ phần công ty thuộc sở hữu của Viet Uc Singapore (55,6%) cho bà Nguyễn Kim Thùa. Bà Thùa trở thành cổ đông lớn nhất tại Thủy sản Việt Úc.

Với tiềm năng lợi nhuận đáng nể của mình, Thủy sản Việt Úc được định giá ở mức cao. Tháng 7/2018, Việt Úc phát hành riêng lẻ 1 triệu cổ phiếu, tương đương 9,8% cổ phần khi đó, với giá 764.843 đồng cho nhóm nhà đầu tư STIC (Hàn Quốc). Định giá công ty chuyên sản xuất tôm giống rơi vào khoảng 7.400 tỷ đồng thời điểm đó, ngang ngửa với định giá hiện tại của "vua tôm" Minh Phú (7.300 tỷ đồng).

Như vậy, tạm dùng mức định giá năm 2018, bà Nguyễn Kim Thùa sẽ phải bỏ ra số tiền khoảng 4.100 tỷ đồng để mua cổ phần từ Viet Uc Singapore. Chưa kể nếu đây là giao dịch thâu tóm, mức giá có thể còn cao hơn nữa.

Đông A

Theo Nhịp sống kinh 


Tin tức liên quan

Bình luận