Phát huy giá trị con tôm trong chuỗi sản xuất
Cùng với cây lúa, con tôm được xác định là vật nuôi chủ lực, là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò là trụ đỡ và góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu. Thế mạnh này đang được tỉnh đầu tư để phát huy hơn nữa trong thời gian tới.
Thu hoạch tôm nuôi theo quy trình công nghệ cao của Công ty Việt - Úc Bạc Liêu.
Lúa thơm - tôm sạch
Mô hình lúa - tôm đã được nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng từ năm 2001. Hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình này khá cao so với độc canh cây lúa nên diện tích sản xuất lúa - tôm tăng khá nhanh, từ 5.851ha ban đầu đã tăng lên 39.578ha vào năm 2020. Đến năm 2021, mô hình này tiếp tục phát triển và mở rộng đạt 39.404ha, chiếm hơn 33% diện tích nuôi tôm trong tỉnh; cho thu nhập trên 90 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.
Thực tiễn đã chứng minh, đây là mô hình sản xuất ít tác động tiêu cực tới môi trường, giảm rủi ro, phù hợp với khả năng của đa số nông dân và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Bởi, khi xuống giống vụ tôm, đất ruộng có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi, tích lũy phù sa giúp nền đất trở nên màu mỡ hơn. Đặc biệt, sau mỗi vụ tôm, chất mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Ngược lại, sau vụ lúa, đất được cải tạo, môi trường thuận lợi nên tôm nuôi mau lớn, ít gặp rủi ro và dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Khanh (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Từ khi áp dụng mô hình luân canh lúa - tôm, đời sống kinh tế của người dân quê tôi khấm khá hơn trước rất nhiều. Việc không sử dụng nhiều các loại phân, thuốc hóa học đã giúp cho môi trường nông thôn trở nên thân thiện hơn, sản phẩm làm ra sạch hơn, nhờ vậy mà thương lái mua giá cũng cao hơn so với các vùng chuyên canh lúa”.
Phát huy các giá trị kinh tế mà mô hình lúa - tôm mang lại, tỉnh đã quy hoạch vùng lúa - tôm là vùng sản xuất “lúa thơm - tôm sạch” và hướng đến sản xuất tôm - lúa hữu cơ. Để hiện thực hóa mục tiêu này cả trong hiện tại và tương lai, Bạc Liêu quan tâm đầu tư hệ thống ô đê bao khép kín cho từng tiểu vùng sản xuất luân canh; khuyến khích nông dân nhân rộng giống lúa ST24, ST25, Nhà nước hỗ trợ 50% lượng lúa giống, đồng thời làm cầu nối để doanh nghiệp và nông dân ký kết bao tiêu sản phẩm; xây dựng các trạm quan trắc, cảnh báo môi trường nước tự động để đại bộ phận người dân kịp thời phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép nhằm chủ động trong sản xuất…
Ông Lê Văn Tần - Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: “Khi dự án đầu tư phát triển hạ tầng vùng luân canh tôm - lúa hoàn thiện và đưa vào vận hành không chỉ giúp huyện mở rộng thêm diện tích sản xuất tôm - lúa, mà còn giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất, hạn chế thấp nhất những tác động của thời tiết, mở ra hướng đi mới và bền vững cho mô hình lúa thơm - tôm sạch trên địa bàn huyện”.
Mô hình lúa - tôm ở huyện Phước Long. Ảnh: C.L
Bạc Liêu hiện là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao, với sản lượng 25 tỷ con giống/năm, chiếm hơn 50% của vùng ĐBSCL và khoảng 20% cả nước. Toàn tỉnh có 188 cơ sở sản xuất tôm giống; trong đó có 159 cơ sở sản xuất tôm sú, 29 cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng, 137 cơ sở ương dưỡng tôm giống. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 33 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, tổng công suất khoảng 125.000 tấn thành phẩm/năm. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 606 triệu USD, tăng 14% so với năm 2017, trong đó chủ yếu là mặt hàng tôm đông lạnh; thị trường tiêu thụ là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, EU, Argentina, Nga, New Zealand, Indonesia, Chile… Bạc Liêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tôm hằng năm là 5,28% và đạt 970 triệu USD vào năm 2025. Trong 10 năm qua, ngành Tôm đã góp phần đem lại giá trị sản xuất ngành Thủy sản của Bạc Liêu là trên 29.700 tỷ đồng.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG NUÔI TÔM
Năm 2018, tỉnh Bạc Liêu được Chính phủ cho phép thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) phát triển tôm và tiến tới xây dựng thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 18 công ty, doanh nghiệp và 711 hộ dân tham gia sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC. Mô hình đã kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi thông qua công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước, hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, ao trữ nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải (biogas). Đặc biệt, quy trình này đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tôm nuôi lớn nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ rủi ro thấp…, hơn cả là góp phần bảo vệ môi trường nuôi, hướng đến xây dựng thành công quy trình nuôi tôm bền vững, cho năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, thực hiện và triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, giúp các doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tham gia bảo hiểm tôm nuôi.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, với quyết tâm làm giàu từ con tôm và tạo ra những đột phá mới giúp con tôm phát triển nhanh, theo hướng bền vững, thời gian qua, Bạc Liêu đã tăng cường đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng. Đặc biệt là Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kín; nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi trong nhà lưới, nhà màng; đầu tư các công trình thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững và Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu… Mặt khác, để khai thác và nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực này, Bạc Liêu đã và đang nhân rộng mô hình nuôi tôm dựa trên các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, Organic, ASC, MSC… nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững gắn với cấp mã số truy xuất nguồn gốc.
Theo quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2025 diện tích nuôi tôm của Bạc Liêu hơn 141.000ha, tốc độ tăng bình quân 0,38%/năm. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 4.000ha; nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 26.500ha; nuôi quảng canh cải tiến kết hợp, tôm - rừng gần 70.000ha; tôm - lúa 41.000ha.
SONG NGUYÊN
Xem thêm