Một số quy định về cấp phép nuôi trồng thủy sản còn chưa hợp lý

21/11/2021 | 334 |
0 Đánh giá

Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, VCCI cho rằng, một số quy định còn chưa hợp lý…

Trả lời Công văn số 6188/BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số quy định tại Dự thảo còn chưa hợp lý.

Một số quy định tại Dự thảo được cho còn chưa hợp lý - Ảnh minh họa

Cụ thể, về đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (điểm b khoản 16 Điều 1 Dự thảo sửa đổi điểm b khoản 4 Điều 36 Nghị định 26/2019/NĐ-CP) quy định, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ “căn cứ quy định, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương để xem xét cấp Giấy xác nhận”.

Theo VCCI, quy định này là chưa hợp lý cho trường hợp đăng ký lại khi giấy xác nhận đăng ký bị mất, bị rách, thay đổi chủ cơ sở nuôi – đây là các yếu tố không liên quan đến kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

“Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng đối với trường hợp cấp lại do thay đổi diện tích ao nuôi; đối tượng nuôi, mục đích sử dụng thì mới căn cứ vào kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương để cấp lại”, VCCI góp ý.

Về cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam (khoản 17 Điều 1 Dự thảo sửa đổi bổ sung Điều 37 Nghị định 26/2019/NĐ-CP), điểm a khoản 17 Điều 1 Dự thảo bổ sung vào hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển phải có tài liệu là “quyết định giao khu vực biển hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng khu vực biển hoặc hợp đồng thuê khu vực biển để nuôi trồng thủy sản”.

VCCI đề nghị đơn vị soạn thảo xem xét, cân nhắc sửa đổi cho phù hợp - Ảnh minh họa

VCCI cho rằng, theo quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP, một trong các điều kiện để được giao khu vực biển là “tổ chức, cá nhân đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển ở khu vực biển đề nghị giao” (điểm a khoản 1 Điều 9). “Văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” là “giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển được cấp theo quy định của pháp luật chuyên ngành” (khoản 6 Điều 2).

Bên cạnh đó, trong hồ sơ đề nghị giao khu vực biển phải có “Bản sao văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp” (điểm b khoản 1 Điều 15). Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển có thể được xem là văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên trên biển của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

“Như vậy, giữa quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP và Dự thảo đang có quy định mâu thuẫn, không thể thực hiện được khi xin cấp các giấy phép liên quan (theo Dự thảo thì Quyết định giao khu vực biển phải có trước giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển trong khi đó theo quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP thì giấy phép nuôi trồng thủy sản phải có trước)”, VCCI nêu quan điểm.

Để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm a khoản 17 Điều 1 Dự thảo.

Về cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 38 Nghị định 26/2019/NĐ-CP).

Theo VCCI, Điều 38 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định về trình tự cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, theo đó trong giai đoạn thẩm định hồ sơ, cơ quan cấp phép sẽ lấy ý kiến địa phương, các hiệp hội, các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, Nghị định 26/2019/NĐ-CP lại không quy định là sẽ lấy ý kiến về vấn đề gì? Căn cứ đâu để các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến cho ý kiến? Các cơ quan lấy ý kiến phải trả lời trong vòng bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cho ý kiến.

Trong trường hợp nếu có một ý kiến không đồng ý thì cơ quan cấp phép sẽ báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 26/2019/NĐ-CP cũng không quy định rõ Thủ tướng Chính phủ sẽ cho ý kiến trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến.

VCCI cho rằng, đây là các vấn đề liên quan đến quy trình cấp phép cho doanh nghiệp, vì vậy cần phải được thiết kế một cách rõ ràng để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định để quy định rõ những vấn đề trên.

ANH KHÔI 


Tin tức liên quan

Bình luận