Trung Quốc mạnh tay chi 610 triệu USD mua trái cây Việt Nam, vẫn cần mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc
Từng lo ngại dịch Covid-19 sẽ khiến xuất khẩu nông sản bị ảnh hưởng nhưng thực tế nhờ sự chủ động tìm kiếm thị trường, nông sản Việt vẫn tìm được những thị trường mới, trong đó, xuất khẩu rau quả, xuất khẩu thủy sản đang lấy lại phong độ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nông sản vẫn cần mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc.
Trung Quốc tăng mua trái cây, thủy sản của Việt Nam
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong 3 tháng đầu năm 2021, nhất là ở thị trường truyền thống Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2021 xuất khẩu hàng rau quả đạt 403,71 triệu USD, tăng 12,9% so với tháng 3/2020. Xuất khẩu hàng rau quả tăng liên tiếp trong 3 tháng qua, sau khi giảm liên tục kể từ tháng 9/2020.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2021, xuất khẩu hàng rau quả đạt 966,72 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 610,82 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này tăng 4,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Freshplaza.com, nhập khẩu trái cây tươi, khô và các loại hạt của Trung Quốc năm 2020 đạt 6,52 triệu tấn, trị giá 11,56 tỷ USD, giảm 8% về lượng, nhưng tăng 2,6% về trị giá so với năm 2019; mức giá nhập khẩu bình quân trái cây tươi, khô và các loại hạt trong năm 2020 đạt 1.773 USD/tấn, tăng 11,3% so với năm 2019.
Tại Hội thảo Cơ hội và thách thức đối với thương mại nông sản Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức, bà Đỗ Liên Hương - Phó Trưởng ban Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (IPSARD) cho biết, dịch Covid-19 xảy ra đầu năm 2020 góp phần khiến thị trường nông sản biến đổi mạnh trên toàn cầu.
Trong bức tranh chung ấy, Việt Nam theo đà tăng xuất khẩu gạo nhưng giảm xuất khẩu thủy sản và trái cây.
"Thương mại nông sản giảm, nhưng thấp hơn thương mại hàng hóa nói chung và giữ được thặng dư thương mại ở ngưỡng 10 tỷ USD" - bà Đỗ Liên Hương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, từ năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả lại sụt giảm do chiến tranh thương mại, đại dịch Covid-19...
Tuy nhiên, theo ông Bình, sự sụt giảm này không lớn và chỉ trong thời gian ngắn. Trong sự sụt giảm đó vẫn có những mặt hàng tăng trưởng như sản phẩm chế biến và sự gia tăng về chủng loại.
Đối với mặt hàng thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, tác động lớn nhất của đại dịch Covid-19 đối với xuất khẩu thủy sản là chi phí đầu vào tăng, thiếu lao động trầm trọng do giãn cách xã hội, công suất sản xuất vì thế giảm mạnh.
Tuy nhiên, đến quý I/2021, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu tăng trưởng, với mức tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2021 xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 735,5 triệu USD, tăng 16,8% so với tháng 3/2020. Quý I/2021, xuất khẩu thủy sản đạt 1,74 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu thủy sản của cả nước khả quan khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc
Để vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19, ông Hoàng Vũ Quang - Phó Viện trưởng Viện IPSARD, nhấn mạnh: "Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nhiều mặt trong cuộc sống xã hội, nhưng cũng mang tới những cơ hội mới cho nông sản Việt Nam. Vấn đề là chúng ta phải làm sao, để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các chuỗi cung ứng”.
Để vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, theo ông Hoàng Vũ Quang, ngành nông nghiệp cần liên kết nông dân với nhau, nông dân với doanh nghiệp để đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng được khoa học kỹ thuật trong canh tác. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nhất là ngoài thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ rau quả trong môi trường đại dịch, cần tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường, tránh lặp lại tình trạng cung vượt cầu ngoài kiểm soát.
Liên kết từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ, liên kết vùng, địa phương thành chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả cao.
Cung cấp thông tin thị trường về các quy định phải tuân thủ khi nhập khẩu sản phẩm vào thị trường nước ngoài, hưỡng dẫn, huấn luyện, đào tạo nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, nhà sản xuất để giảm thiểu những trục trặc và rủi ro khi tham gia vào hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu rau quả.
Dự báo về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, xu hướng tiêu thụ thay đổi tạo dư địa cho các sản phẩm tôm chân trắng, cá hộp, hàng khô, hàng bảo quản.
Thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu; các nước khu vực châu Á và một số nước sản xuất cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan vẫn đang đối phó với dịch Covid-19 nghiêm trọng...
Tuy nhiên, xuất khẩu sẽ vẫn bị tác động bởi các gói cước vận chuyển và các chi phí đầu vào tăng ngoài khả năng kiểm soát
Khánh Nguyên
Báo Dân trí
Xem thêm