Thực phẩm Sao Ta và kế hoạch chinh phục EVFTA
Hoạt động xuất khẩu tôm sang thị trường EU đang được kỳ vọng được hỗ trợ tích cực bởi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Theo đó, thuế suất hỗ trợ 0% cho mặt hàng tôm nguyên liệu sẽ thúc đẩy đáng kể lợi thế cạnh tranh của sản phẩm này tại thị trường EU.
Nhằm nắm bắt cơ hội từ EVFTA, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC) đã mở rộng vùng nuôi và có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mới.
Năm 2020, FMC đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm tại khu đất kế bên khu nuôi tôm TaNa Farm tại Sóc Trăng, có diện tích hơn 81 ha.
Bên cạnh đó, năm 2021, FMC xây dựng 2 nhà máy chế biến tại Sóc Trăng với tổng công suất 20.000 tấn/năm, tương đương 100% công suất chế biến năm 2019, với mức đầu tư 400 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022, và hoạt động 100% công suất vào năm 2025.
Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, hiện nay tiêu thụ tôm tại thị trường EU chiếm 29% trong tỷ trọng xuất khẩu của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta.
Hiệp định EVFTA đưa mức thuế xuất khẩu tôm về 0% hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp này mở rộng xuất khẩu sang EU.
Việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản hướng tới tập trung sản xuất sản phẩm tôm cao cấp, phục vụ thị trường EU – thị trường trọng điểm mà FMC hướng tới trong tương lai để có thể tận dụng tối đa các cơ hội ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng tôm trong năm 2021, đạt khoảng 730.000 tấn, tăng 4%.
Do vậy, nguồn tôm cung cấp ổn định sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục gia tăng thị phần tại các thị trường xuất khẩu.
Với kỳ vọng mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 sẽ giảm dần, các kênh tiêu thụ chính của các sản phẩm thủy sản dần hoạt động trở lại và sự hỗ trợ của các Hiệp định thương mại tự do, mảng tôm được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nguồn cung tiếp tục ổn định trong khi các đối thủ cạnh tranh mất nhiều thời gian để quay trở lại hoạt động sản xuất bình thường như trước dịch.
Các chuyên gia FPTS cũng dự báo, năm 2021, giá bán tôm xuất khẩu khả năng cao sẽ không tăng mạnh, khi nhu cầu tiêu thụ vẫn rất khó dự báo và phụ thuộc rất lớn vào mức độ hồi phục của các kênh tiêu thụ chính.
Trong khi đó, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng, khi sản lượng tôm toàn cầu được dự báo tăng trở lại và cùng với đó là sự phát triển của xu hướng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nhằm giảm bớt rủi ro của các cường quốc xuất khẩu tôm trên thế giới.
"Với giả định tình hình dịch bệnh trên thế giới dai dẳng, nhưng mức độ sẽ giảm dần nhờ sự phân phối rộng rãi hơn của vaccine trong năm 2021, các kênh tiêu thụ food services như nhà hàng, khách sạn, casino, khu du lịch sẽ dần phục hồi. Giá tôm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 sẽ tăng nhẹ khoảng 5%, trung bình đạt 9,6 USD/kg", báo cáo của FPTS nhận định.
Bên cạnh các triển vọng tích cực, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro khi thuế suất chống bán phá giá sang thị trường Mỹ có thể tăng trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14).
Dù vậy, giới phân tích vẫn kỳ vọng sản phẩm tôm Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được mức thuế chống bán phá giá 0% sang thị trường Mỹ như đã thể hiện tốt trong lần xem xét POR 13.
Năm 2021, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam có thể đạt 4 tỷ USD (+15%).
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh từ tôm Ấn Độ, Ecuardo và Indonesia sẽ gia tăng trong năm nay khi các nước này kiểm soát được dịch và quay lại sản xuất.
Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu 2,4 triệu tấn tôm vào năm 2024 và có kế hoạch phát triển nuôi tôm ven biển gần 8 tỷ USD.
Trong khi Indonesia đặt kế hoạch tăng thêm 200 nghìn ha ao nuôi đến năm 2024 và được dự đoán năm 2021 sản lượng tôm tăng 10% đạt 330 ngàn tấn.
Hơn nữa, giá bán tôm của Ấn Độ và Ecuador thấp hơn từ 10 – 15% so với tôm Việt Nam, sẽ làm trầm trọng thêm áp lực cạnh tranh từ các quốc gia này.
Tuy nhiên, với trình độ chế biến sâu, có thể tạo sự khác biệt bằng các sản phẩm giá trị gia tăng chất lượng cao, Việt Nam sẽ củng cố vị thế của mình trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước cũng đang trở nên sôi động hơn khi nhiều nhà chế biến tôm xây dựng thêm nhà máy mới.
Kết thúc quý I/2021, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận sản lượng tôm chế biến đạt 3.688 tấn, bằng 132% so với cùng kỳ năm trước. Tôm thành phẩm tiêu thụ chung đạt 3.850 tấn, bằng 135% so với quý I/2020.
Doanh thu chung của FMC đạt 42,3 triệu USD, bằng 135% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cho biết, so cùng kỳ, mặc dù ngành tăng trưởng dưới 10%, nhưng doanh nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng doanh số trên 30% và cao hơn nhiều so với trung bình.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, năm 2020 một điều đặc biệt đã xảy ra khi sản lượng chế biến của Sao Ta tăng hơn 20%, gần hết ngưỡng công suất thiết bị.
Chính vì vậy, năm 2021, Sao Ta chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng thêm 1.000 tấn tôm thàng phẩm, tương đương 5%. Hai nhà máy đang xây dựng sẽ phát huy tác dụng từ năm 2022 sẽ là mốc bứt phá của Sao Ta./.
Theo BNEWS
Xem thêm