Giá tôm toàn cầu tăng

04/08/2018 | 499 |
0 Đánh giá

Đại dịch COVID-19 đã làm giảm nhu cầu chung đối với tôm vào năm 2020.

Trong khi thị trường tôm quốc tế và nội địa có đặc điểm chung là thương mại bán lẻ phát triển mạnh mẽ, trái lại lĩnh vực dịch vụ nhà hàng gặp phải những tổn thất lớn. Cuối năm 2020, đã có một sự bùng nổ lớn trong ngành dịch vụ ăn uống của Trung Quốc gắn liền với lễ hội trung thu vào tháng 10. Điều này có thể dẫn đến việc mở cửa hơn nữa ngành dịch vụ nhà hàng của Trung Quốc trong những tháng tiếp theo.

Giá tôm toàn cầu tăng

Ảnh minh họa

Nguồn cung

Mùa nuôi tôm ở châu Á bị trì hoãn vào năm 2020 do sự bùng phát COVID-19. Sau vụ thu hoạch hoảng loạn từ đầu mùa (tháng 4 năm 2020), việc thả giống bị trì hoãn ở hầu hết các nước sản xuất, dẫn đến số ngày nuôi thực tế bị giảm do quãng thời gian ngừng hoạt động. Người nuôi tôm cũng áp dụng nuôi mật độ thấp do giá tôm giảm, tình trạng này kéo dài cho đến tháng 8 năm 2020.

Tại Ấn Độ, nguồn cung nguyên liệu thô thiếu hụt trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2020, cùng với đó, giá tôm duy trì ở mức thấp kỷ lục do nhu cầu tôm toàn cầu ở lĩnh vực dịch vụ thực phẩm giảm mạnh. Tại Việt Nam và Indonesia, tình hình cung ứng tốt hơn. Các nhà chế biến - xuất khẩu ở Việt Nam và Indonesia đã tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng và thay đổi bao bì bán lẻ để đáp ứng tốt hơn với những thay đổi của nhu cầu tôm trên thị trường.

Sản lượng tôm Thái Lan năm 2020 thấp hơn năm 2019 đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho chế biến - xuất khẩu. Nông dân Thái Lan nản lòng vì giá xuất xưởng yếu và dịch vụ du lịch lao dốc. Tại Trung Quốc, sản lượng nội địa cũng giảm trong năm 2020 do dịch bệnh tôm và điều kiện thời tiết bất lợi.

Mỹ La-tinh

Kể từ giữa tháng 3 năm 2020, sản lượng tôm nuôi ở Ecuador đã chậm lại đáng kể do dịch COVID-19 bùng phát tại khu vực nuôi trồng và chế biến chính - Guayaquil, giá tại ao và giá xuất khẩu đều giảm kỷ lục. Nhu cầu nhập khẩu biến động từ thị trường hàng đầu là Trung Quốc. Để giảm bớt thiệt hại, nhiều nông dân đã chuyển sang thả nuôi với mật độ thấp, khiến nguồn cung giảm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020. Nhưng sản lượng đã bắt đầu phục hồi kể từ tháng 10. Lũy kế sản lượng tôm đỏ (Pleoticus muelleri) ở Argentina giảm 27% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, khiến khối lượng xuất khẩu giảm và giá tăng.

Thương mại quốc tế

Ngành tôm tiếp tục áp dụng mô hình chuyển dịch nhu cầu trên thị trường quốc tế. Với đặc điểm nhu cầu bán lẻ tăng mạnh nhưng nhu cầu giảm đáng kể trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống (giảm 70-80%) trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, thị trường duy trì trạng thái cân bằng khi sản xuất giảm. Mặc dù hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống được cải thiện trong những tháng mùa hè ở Bắc Mỹ và Châu Âu, nhưng trong hầu hết các trường hợp, các nhà hàng chỉ hoạt động ở mức 25% đến 30% công suất vì các biện pháp giãn cách xã hội bắt buộc. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cũng giảm đáng kể và chưa có dấu hiệu phục hồi do những yêu cầu hạn chế trên toàn thế giới. Bất chấp những hạn chế này, thương mại tôm toàn cầu vẫn tương đối ổn định với nguồn cung giảm, đặc biệt là từ châu Á trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2020. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng ở hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ, nơi có doanh số bán lẻ cao kỷ lục trong các tháng từ 4 đến 9 năm 2020.

Xuất khẩu

Trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung tăng từ hai nhà xuất khẩu hàng đầu (Ecuador và Indonesia). Ecuador có giá xuất khẩu thấp kỷ lục và được hỗ trợ bởi việc tăng doanh số bán hàng sang Hoa Kỳ. Xuất khẩu tôm chế biến của Indonesia tăng trong 6 tháng đầu năm 2020. Xuất khẩu tôm chế biến cũng tăng từ các nước khác, nhưng không tăng ở Thái Lan và Trung Quốc. Xuất khẩu tôm đông lạnh (đã hấp chín trước khi đông lạnh) ở cả Ấn Độ và Indonesia trong 6 tháng đầu năm 2020 cao hơn 35% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu tôm đánh bắt từ Argentina giảm 16% xuống còn 45.000 tấn do sản lượng khai thác thấp hơn trong nửa đầu năm 2020.

Nhập khẩu

Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu tôm hàng đầu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020. Nhập khẩu tăng nhẹ ở Hoa Kỳ, nhưng giảm ở Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada và nhiều thị trường mới nổi khác trên toàn thế giới. Nhu cầu tôm chế biến gia tăng là đặc trưng của nhập khẩu Hoa Kỳ trong giai đoạn này, trong khi tôm nguyên con và tôm nguyên vỏ - bỏ đầu vẫn là những sản phẩm chiếm ưu thế trong nhập khẩu của Trung Quốc. Nhập khẩu vào Việt Nam (đối với mặt hàng tái xuất khẩu) đã giảm kỷ lục, chỉ đạt 22.000 tấn, thấp hơn 75% so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019. Sự sụt giảm này đến từ việc chính quyền Trung Quốc tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Liên minh Châu Âu

Bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng COVID-19, tiêu thụ tôm yếu ở châu Âu trong nửa đầu năm 2020. Không giống như Hoa Kỳ và Trung Quốc, tại thị trường các nước Liên minh châu Âu nhu cầu bán lẻ vẫn ở mức thấp; tại các nhà hàng, nơi tiêu thụ chính mặt hàng tôm, cũng thu hẹp đáng kể cho đến tháng 6 năm 2020. Trong nửa đầu năm 2020, nhập khẩu tôm ở Liên minh châu Âu thấp hơn 6,3% với mức 341.651 tấn, trong đó có 70.000 tấn sản phẩm chế biến (giảm 10,6%). Tuy nhiên, trong những tháng mùa hè của châu Âu, nhu cầu tôm được cải thiện ở các thị trường Bắc Âu, do doanh số bán hàng tại các nhà hàng tăng lên. Nhiều người được ở nhà trong kỳ nghỉ hè, đã chọn dùng bữa tại các nhà hàng địa phương.

Trung Quốc

Tiêu thụ tôm tại nhà vẫn ở mức tốt ở thị trường Trung Quốc trong suốt các tháng từ 4 đến 9 năm 2020. Tồn kho trong nước bị tích lại trong suốt giai đoạn đầu thực hiện lệnh phong tỏa (từ tháng 1 đến tháng 4), đã bắt đầu giảm khối lượng hàng tồn từ tháng 5 với việc nới lỏng lệnh phong tỏa. Nhập khẩu hàng tháng đạt đỉnh vào tháng 6 ở mức 80.000 tấn, dẫn đến nhập khẩu lũy kế đạt 382.000 tấn trong nửa đầu năm 2020. Ecuador chiếm 53,7% thị phần trong các nguồn cung này. Việc ba công ty tôm Ecuador tạm ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc đã khiến nhập khẩu từ nguồn này giảm mạnh trong tháng 7 và tháng 8 năm 2020. Tuy nhiên, theo Bộ Sản xuất, Ngoại thương, Đầu tư và Thủy sản Ecuador (the Ministry of Production, Foreign Trade, Investment and Fisheries), xuất khẩu tôm sang Trung Quốc hiện đã trở lại bình thường. Nhập khẩu cũng tăng từ hầu hết các nguồn khác đến Trung Quốc trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020 nhưng lại giảm từ Ấn Độ. Nhập khẩu tôm của Trung Quốc cộng dồn từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020 cao hơn 13,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Mỹ

Lĩnh vực dịch vụ thực phẩm chiếm ưu thế về tỷ trọng doanh số bán tôm (75%) trong những năm thông thường, nay đã sụt giảm doanh thu từ 70 đến 80% trong quãng thời gian hai tháng (từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2020) do COVID-19. Trong suốt mùa hè, doanh số bán tôm tăng lên khi nhiều nhà hàng trên khắp ước Mỹ chuyển sang dịch vụ mua-mang đi và giao hàng tận nơi. Trái lại, các nhà hàng chỉ hoạt động với 25% công suất do các quy định về giãn cách xã hội.

Nhìn chung, doanh số bán lẻ tôm tăng rất mạnh trong năm 2020 và tỷ trọng có thể đạt tới 30 đến 35% tổng doanh thu bán tôm của Mỹ (so với mức 25% của các năm thông thường). Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tăng vẫn không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt trong ngành kinh doanh thực phẩm. Thu nhập khả dụng trung bình giảm do tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và bất ổn kinh tế cũng đã hạn chế nhu cầu tôm trên thị trường Mỹ.

Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020, tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng nhẹ (+ 2,6%) do nhu cầu của các sản phẩm thô giảm. Đặc biệt, nhu cầu của người tiêu dùng đối với tôm bóc vỏ (mặt hàng thường được dùng trong các nhà hàng) đã giảm xuống. Nhập khẩu tôm chế biến tăng 13% lên 73.000 tấn so với 6 tháng đầu năm 2019. Tổng nhập khẩu tôm các loại tăng 6,5% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020 cho thấy xu hướng nhu cầu ổn định tại thị trường Mỹ trong những tháng mùa hè.

Nhật Bản

Nhu cầu của người tiêu dùng đối với tôm ở Nhật Bản vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 và cả trong những tháng mùa hè năm 2020. Điều đặc biệt là, ngay cả khi giá thương mại tôm quốc tế thấp, thì nhập khẩu của Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn giảm 4% ở mức 90.000 tấn so với 93.400 tấn của 6 tháng đầu năm 2019. Xu hướng tiêu cực này kéo dài liên tục từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020 với nhập khẩu giảm 3,7% so với cùng kỳ 8 tháng đầu năm 2019, đạt 128.215 tấn.

Châu Á / Thái Bình Dương và các thị trường còn lại

Với việc kiểm soát di chuyển và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, nhập khẩu tôm đã giảm ở nhiều thị trường trong khu vực Châu Á/ Thái Bình Dương và các thị trường còn lại. Trong nửa đầu năm 2020, Hàn Quốc, Đặc khu hành chính Hồng Kông, Singapore, Úc và New Zealand đều báo cáo nhập khẩu giảm. Ngược lại, tại Ấn Độ, doanh thu bán trực tuyến tôm tươi và đông lạnh nội địa tăng đáng kể ở nhiều thành phố lớn. Xu hướng tương tự ở Thái Lan và Malaysia.

Giá cả

Giá tôm trên thị trường thương mại quốc tế ở mức thấp cho đến tháng 8 năm 2020. Ecuador là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 7 năm 2020 sau lệnh cấm nhập khẩu từ chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, từ tháng 9 trở đi giá bắt đầu phục hồi.

Dự báo

Việc thả tôm giống muộn vào năm 2020 sẽ dẫn đến lượng cung thấp đến trung bình, đặc biệt là ở các khu vực không bị ảnh hưởng bởi mùa đông (như: Indonesia, Malaysia, miền Nam Thái Lan, các bang Andhra và Tamil Nadu ở Ấn Độ). Tuy nhiên, mùa mà nguồn cung tôm thấp thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 2 ở Trung Quốc, khu vực phía Đông Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Bangladesh. Tổng sản lượng tôm nuôi ở châu Á được ước tính thấp hơn từ 15 đến 20% vào năm 2020.

Tại Trung Quốc, Tết Trung thu và kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vào tháng 10 năm 2020 đã tạo động lực lớn cho thị trường tôm khi lượng tôm tiêu thụ tăng đáng kể. Với việc COVID-19 vẫn hoành hành ở Hoa Kỳ và Châu Âu, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đã chọn đi du lịch trong nước. Tồn kho tôm đông lạnh tại Trung Quốc giảm sẽ hỗ trợ nhập khẩu trong thời gian tới. Nhập khẩu của Mỹ tăng trong quý 3 năm 2020 cho phép cung cấp đủ hàng dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng cuối năm 2020. Trong khi đó, doanh số nhà hàng có thể chậm lại trong những tháng mùa đông. Xu hướng tiêu dùng tương tự ở châu Âu và Nhật Bản với một số cải thiện về nhu cầu trong giai đoạn Giáng sinh / Năm mới.

Từ tháng 9 năm 2020, giá xuất xưởng đối với tôm châu Á và Ecuador đã chạm đáy. Nguồn cung thiếu hụt theo mùa ở châu Á và nhu cầu tốt từ Trung Quốc sẽ dẫn đến việc tăng giá. Khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm đối với tôm Ecuador, nhập khẩu của Trung Quốc từ nước này có thể sẽ tăng lên. Trong khi đó, thương mại điện tử và giao tôm tận nhà ở các nước sản xuất và nhập khẩu đã mở ra cơ hội tiếp thị và bán hàng mới trên toàn thế giới. Xu hướng này chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong dài hạn.

Ngọc Thúy (theo FAO)


Tin tức liên quan

Bình luận