Phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tuần hoàn khép kín
Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có hơn 200.000ha nuôi tôm công nghệ cao, trong đó tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, với tổng diện tích khoảng 186.000ha. Đây cũng là 2 địa phương được các doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung đầu tư nguồn lực phục vụ cho chế biến và xuất khẩu…
Bạc Liêu là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm nhiều năm qua. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhiều mô hình như: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Việt Úc; mô hình nuôi tôm trong bể nổi tròn của Công ty Long Mạnh; mô hình nuôi tôm trong ao đất bền vững của Công ty Vinhthinh Biostadt; mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ít thay nước của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh; mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP… Đây cũng là những mô hình được nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh Bạc Liêu áp dụng thực hiện.
Trong nuôi tôm siêu thâm canh, công nghệ đóng vai trò quan trọng và quyết định cho sự thành công. Bạc Liêu đang ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các mô hình nuôi, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và hướng đến nuôi tôm tuần hoàn khép kín, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, hầu hết các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Bạc Liêu đều đạt hiệu quả. Song, quan trọng nhất là vấn đề xả thải ra môi trường và hướng đến mục tiêu của tỉnh là nuôi tôm tuần hoàn khép kín bền vững. Hiện Công ty Vinhthinh Biostadt đang áp dụng mô hình nuôi tôm ao đất bền vững tại Bạc Liêu và được một số hộ nuôi công nghệ cao áp dụng. Hay mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm trong bể nổi tròn được nhiều nông hộ ứng dụng làm theo.
Toàn tỉnh có 15 công ty, đơn vị và 467 hộ dân thực hiện nuôi tôm công nghệ cao theo hướng siêu thâm canh và 2 giai đoạn. Năng suất bình quân 21,11 tấn/ha, cá biệt có mô hình lên đến 30 - 50 tấn/ha. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường.
Ngoài ứng dụng công nghệ cao để ngành tôm phát triển bền vững, giá thành sản phẩm để con tôm Việt có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Muốn vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất. Theo đó, tăng cường liên kết, thực hiện lựa chọn mô hình nuôi phù hợp từng vùng gắn với kiểm soát tốt chất lượng con giống, thức ăn, chất lượng nước cho ao nuôi và kiểm soát chất thải, mầm bệnh, các tác nhân gây hại…
Phát biểu tại Hội chợ triển lãm công nghệ ngành tôm ở TP. Cần Thơ, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, chia sẻ: “Những năm gần đây, công nghệ nuôi tôm ở Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, nhưng sức cạnh tranh của sản phẩm tôm vẫn còn hạn chế, do giá thành sản xuất cao hơn khoảng 30% so với các nước có lợi thế cạnh tranh Ecuador, Ấn Ðộ, Indonesia... Hiện các nước đang đổi mới công nghệ nuôi tôm, nếu chúng ta không có sự cải tiến, không có cách nhìn và tiếp cận mới thì ngành tôm trong nước sẽ rất khó khăn trong những năm tới…
Để ngành tôm phát triển bền vững, theo ông Trần Ðình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), bên cạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển ngành tôm, các địa phương cần quan tâm tổ chức lại sản xuất, phát triển sản phẩm chất lượng cao. Lựa chọn mô hình nuôi phù hợp, xử lý nước thải tốt trong nuôi tôm siêu thâm canh. Hướng đến các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tuần hoàn khép kín để bảo vệ môi trường nuôi tôm bền vững.
Năm 2021, toàn ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 740.000ha, sản lượng 930.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD. Trong khi đó, với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm của ngành tôm thế giới, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn. Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045.
Minh Hải
Xem thêm