Kiểm dịch thủy sản: Luôn ghi nhận ý kiến và tạo thuận lợi cho DN

26/05/2021 | 298 |
0 Đánh giá

Những năm qua, Bộ NN& PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong lĩnh vực thú y, trong đó có việc kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đây là khẳng định của lãnh đạo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ. Cụ thể, Cục Thú y được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ thực hiện kiểm dịch sản phẩm động vật theo Luật Thú y năm 2015 và các văn bản dưới luật, đồng thời kiểm tra an toàn thực phẩm một số mặt hàng theo Luật An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2010 và Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết các hoạt động này hiện nay đang thống nhất một mặt hàng nhập khẩu do một cơ quan kiểm tra chuyên ngành thực hiện, vừa kiểm dịch vừa kiểm tra an toàn thực phẩm, theo đúng quy định tại các nghị định, nghị quyết của Chính phủ về cải cách trong công tác kiểm tra chuyên ngành.

 “Các chỉ tiêu kiểm tra trùng lắp giữa kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm chỉ phải làm một lần, thuận tiện và không phát sinh chi phí kiểm tra xét nghiệm cho lô hàng của doanh nghiệp”, ông Long nhấn mạnh.

Cục Thú y cho biết: Trong thương mại quốc tế động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản, các nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và OIE phải tuân thủ theo các quy định chung của OIE và WTO nhằm bảo đảm sức khỏe người và sức khỏe động vật. Các nước thành viên có quyền ban hành các quy định và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khoẻ của con người, động vật và thực vật. Luật thú y thế giới (OIE Code) gồm các hướng dẫn, khuyến nghị về các biện pháp kỹ thuật, thủ tục và chứng nhận kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, từ đó an toàn sức khỏe người và động vật (động vật và sản phẩm động vật thủy sản phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ, cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm) 

Những năm qua, Bộ NN& PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong lĩnh vực thú y, trong đó có việc kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Cụ thể, Luật Thú y và các Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT đã cắt giảm nhiều so với quy định trước đây, thực hiện kiểm dịch sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo nguyên tắc phân loại sản phẩm, trên cơ sở mức độ nguy cơ rủi ro của sản phẩm. Các văn bản này đã xin ý kiến các nước thành viên WTO và nhận được sự đồng thuận cao.

Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT cũng cắt giảm 33,33% chỉ tiêu kiểm tra, theo đó chi phí kiểm tra cũng được cắt giảm 33,33%  đối với nhóm sản phẩm thủy sản tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh. Đối với nhóm sản phẩm thủy sản chế biến đã cắt giảm 50% chỉ tiêu kiểm tra... Đặc biệt, về lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu, đã cắt giảm 43% (chỉ còn 40.000 đ/giấy).

Ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: “Bộ NN&PTNT thường xuyên rà soát các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, thực hiện cắt giảm, thay đổi phương thức kiểm tra theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Về những nội dung VASEP đã nêu, cần chú ý theo khoa học về thú y, các vi sinh vật nói chung, bao gồm cả vi sinh vật gây bệnh, tồn tại lâu nếu hàng hóa được bảo quản lạnh sâu (đông lạnh). Do đó, đối với hàng hóa đông lạnh, vẫn thuộc nhóm có nguy cơ cao mang vi sinh vật gây bệnh so với hàng hóa được xử lý ở nhiệt độ cao khác. Chúng tôi rất trân trọng lắng nghe các ý kiến và sẽ có những tiếp thu phù hợp để phối hợp cùng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) ban hành theo hướng đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người, vật nuôi nội địa và môi trường nhưng cũng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp”./.

Đỗ Hương


Tin tức liên quan

Bình luận