Các địa phương đã được yêu cầu cử đoàn kiểm tra xuống từng thôn, xã để hướng dẫn, hỗ trợ người dân ghi nhật ký, truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt
Cũng theo ông Tiến, trong đợt kiểm tra này, phía EC muốn nhìn thấy bức tranh tổng thể về quy trình truy xuất nguồn gốc thủy sản, phát triển hạ tầng và kiểm soát đội tàu cá của nước ta. Do đó, các bên liên quan chuẩn bị cụ thể, chi tiết trong tháng cao điểm chống IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo).
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu mỗi tỉnh, thành phố ven biển cần được gửi một văn bản hướng dẫn riêng, đồng thời đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... cần vào cuộc để tạo sức mạnh tổng thể ngay từ những ngày đầu tháng 10 này.
Theo Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay, cả nước vẫn còn 62 vụ với 85 tàu và 704 ngư dân vi phạm vùng biển ở nước ngoài bị cơ quan chức năng các nước bắt giữ, xử lý. Trong đó đã xác định 43 vụ đánh bắt tại khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử, chưa rõ tọa độ.
Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, trong những ngày tới, Bộ đội Biên phòng sẽ cùng các địa phương kiểm soát chặt chẽ tàu xuất bến, chỉ những tàu đủ điều kiện mới được ra khơi. Đối với các tàu vi phạm, đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, sẽ giao cho cả cảnh sát biển xử lý.
Đề nghị túc trực 24/24
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp thủy sản (DN) đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ, tài liệu quản lý IUU để chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC).
Theo ông Nam, các tài liệu và hồ sơ quản lý IUU tại DN đã phải làm từ trước đây (từ 2010, EC áp dụng quy định kiểm soát IUU tới tất cả các quốc gia muốn xuất khẩu hải sản vào EU). Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai việc gỡ “thẻ vàng”, nhiều bất cập vẫn còn tồn tại. Cuộc kiểm tra lần này có ý nghĩa quyết định việc thủy sản của Việt Nam có gỡ được thẻ vàng hay không.
Do đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Bộ NN&PTNT đề nghị các DN rà soát, sắp xếp hồ sơ đầy đủ về các lô hàng thủy sản khai thác xuất vào EU từ 2020 đến nay, đảm bảo lưu trữ có hệ thống, dễ truy cập, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu...
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, dự kiến đoàn kiểm tra của EC sẽ sang Việt Nam từ 19 đến 28/10. Trong 10 ngày làm việc tại Việt Nam, phía EC sẽ có hai ngày làm việc với lãnh đạo cấp cao nước ta. Tuy nhiên, trước đó phía EC sẽ kiểm tra toàn bộ quy trình từ lúc tàu cá cập cảng cho đến khi thủy sản vào nhà máy chế biến.
Theo ông Hùng, ngành hàng thủy sản được xây dựng theo chuỗi. Cá được bắt tại Kiên Giang nhưng có thể được chế biến tại hai nơi là Cà Mau và Bến Tre. Việc truy xuất nguồn gốc, vì thế càng khó và mất nhiều thời gian. Từ kinh nghiệm của những đợt tiếp đón EC trước, ông Hùng cho biết, các địa phương cần bố trí nguồn lực tối đa phục vụ cho chuyến kiểm tra, giữ liên lạc thông suốt, tránh tình trạng để đoàn kiểm tra chờ đợi.
“Hiện chúng tôi cũng khuyến cáo với 28 tỉnh, thành phố ven biển, các cảng cá và doanh nghiệp thủy sản cần cử đầu mối thông tin, túc trực 24/24 trong suốt 10 ngày đoàn EC kiểm tra”, ông Hùng cho hay.
Dương Hưng
|
Xem thêm