Sao Ta, Vĩnh Hoàn tăng trưởng lạc quan, ngành thủy sản "sáng cửa" năm 2022
Doanh số tiêu thụ của các doanh nghiệp thủy sản rất khả quan trong tháng đầu năm 2022. Giới chuyên gia phân tích cũng đánh giá cao về khả năng tăng trưởng của ngành thủy sản năm nay.
Công ty Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) vừa có báo cáo kết quả kinh doanh tháng 1/2021 với sản lượng tôm thành phẩm đạt 1.820 tấn, tăng 40% và sản lượng nông sản đạt 164 tấn, tăng 15% so cùng kỳ năm 2021.
Tương ứng, doanh số tiêu thụ Công ty trong tháng đạt 28,9 triệu USD, tương đương 659 tỷ đồng và tăng 90% so cùng kỳ năm 2021. Theo FMC, doanh số tăng mạnh do có lô hàng xuất cận cuối năm 2021 chỉnh sang tiêu thụ năm 2022.
Bên cạnh đó, Khang An (đơn vị thành viên của FMC) có doanh số cao hơn hẳn do tháng 1/2021 là tháng đầu tiên hoạt động nên doanh số còn thấp.
Trước đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC/HoSE) cũng công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2022 với tổng doanh thu đạt 777 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo cơ cấu sản phẩm, doanh thu cá tra đạt 489 tỷ đồng, tăng 11%; sản phẩm phụ 117 tỷ đồng, tăng 28%; sản phẩm chăm sóc sức khỏe đạt 85 tỷ đồng, tăng 19%; sản phẩm giá trị gia tăng và khác cùng tăng trên 3 chữ số.
Theo cơ cấu thị trường, thị trường Mỹ tiếp tục tăng 25% lên 332 tỷ đồng, châu Âu tăng 20%, các thị trường khác tăng 34%, trong khi Trung Quốc giảm 36% so với cùng kỳ. Còn so với tháng 12/2021, doanh thu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc giảm mạnh 84%, Mỹ tăng nhẹ 6% và châu Âu tăng 2%.
Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup, thủy sản là một trong những ngành hưởng lợi hậu Covid-19. Năm 2021, ngành này ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực song so với giai đoạn trước khi Covid-19 xảy ra thì mức tăng trưởng lợi nhuận hiện nay vẫn chưa thực sự hồi phục.
Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình cũng nhận định, triển vọng ngành thủy sản năm 2022 dự kiến tiếp tục lạc quan, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 9 tỷ USD.
Theo các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này, kinh tế thế giới phục hồi và mở cửa trở lại, đặc biệt Mỹ và châu Âu nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản còn được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đa phương, song phương. Ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU có mức thuế suất 12-20% sẽ về 0% như tôm sú đông lạnh...
Đối với cá tra, EVFTA giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong dài hạn, thuế cơ bản của cá tra phile tươi, ướp lạnh giảm từ 9% xuống 0%; cá tra phile đông lạnh giảm từ 5,5% xuống còn 0%; các sản phẩm cá tra chế biến giảm từ 14% xuống còn 0% trong vòng 3 năm.
Dù vậy bên cạnh thuận lợi, doanh nghiệp thủy sản cũng phải đối mặt với khó khăn từ việc giá nguyên liệu tăng. Cụ thể giá cá tra nguyên liệu và giá tôm thẻ tăng so với cùng kỳ 2020 do chi phí vận chuyển tăng vì thiếu tàu và thiếu vỏ container dưới tác động bởi dịch COVID-19, cộng với giá dầu tăng.
Chưa kể, sự cạnh tranh cũng sẽ ngày càng gay gắt hơn do tình hình phục hồi khả năng cung ứng từ các thị trường khác như Ấn Độ, Ecuado, Thái Lan và Indonesia sau đại dịch.
Hà Tâm
Xem thêm