Nhiều cơ hội phục hồi cho sản xuất tôm nuôi
Thị trường xuất khẩu tôm đang có nhiều thuận lợi. Giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để tôm Việt Nam tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi.
Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022”. Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Tại hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 10/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thị trường xuất khẩu tôm đang có nhiều thuận lợi. Giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để tôm Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia sẽ là cơ hội thuận lợi nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi; truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu. Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn.
Để khai thác tốt cơ hội thị trường và vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, khi nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm tôm thì năng suất và chất lượng là hai yếu tố then chốt. Vì vậy, các đơn vị, địa phương phải chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào đặc biệt là con giống, hạ tầng trong chuỗi sản xuất tôm.
Ông Trần Công Khôi, Phó vụ Trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng diện tích tôm nước lợ thả nuôi ước đạt 740 nghìn ha, tăng 0,5% so với năm 2020; trong đó, tôm sú là 630 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng 110 nghìn ha.
Ước sản lượng tôm nuôi năm 2021 đạt 970 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2020; trong đó, tôm sú 277,5 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 642,5 nghìn tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tháng năm 2021 đạt 3,2 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, nuôi tôm vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Điển hình là tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên. Trong nước mới chỉ cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thuỷ sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch.
Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn còn diễn ra ở một số địa phương.
Hiện tổng số cơ sở nuôi tôm nước lợ đã cấp mã số là 6.600 trong số 479.824 cơ sở. Do đó, sản phẩm còn khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Trước xu hướng chuyển đổi số, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An đề xuất, các viện nghiên cứu cùng Tổng cục Thủy sản làm sao phát triển được các phần mềm quản lý kỹ thuật nuôi tôm. Qua đây, người nuôi có thể ứng dụng và tìm kiếm được các giải pháp; các cơ quan chuyên môn đưa ra các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả.
Là địa phương có thế mạnh về tôm nuôi, ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhìn chung, mùa vụ nuôi tôm năm 2021 của tỉnh đã cơ bản thành công về kế hoạch diện tích, sản lượng và tỷ lệ thiệt hại chỉ xảy ra ở mức khoảng 6%. Toàn tỉnh cả năm thả nuôi đạt 53.000 ha vượt 3,92% kế hoạch, tăng 2,49% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước sản lượng tôm nuôi đến cuối năm đạt trên 183.000 tấn, vượt 6,5% kế hoạch và cao hơn 17,8% so với cùng kỳ.
"Đây là một tín hiệu khả quan và đã phát huy hiệu quả tốt trong chỉ đạo sản xuất, phòng chống dịch bệnh. Hơn nữa, việc thả nuôi đã được người dân bố trí theo mô hình thả cuốn chiếu, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiến bộ, chú trọng công nghệ, nâng cao năng suất, an toàn thực phẩm đã góp phần hạn chế được thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh", ông Vương Quốc Nam đánh giá.
Phát huy kết quả đạt được, ông Vương Quốc Nam cho biết, trong năm 2022, khi diện tích nuôi tôm của tỉnh không tăng thì đòi hỏi phải tăng thâm canh để tăng năng suất. Cùng với việc kiểm soát chất lượng các đầu vào của các vùng nuôi: giống, vật tư; tổ chức sản xuất với ứng dụng công nghệ, quản lý môi trường nuôi…
Trước mắt, ông Trần Công Khôi cho rằng, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước, đặc biệt phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ Noel, Tết dương lịch và tết Nguyên đán năm 2022.
Trong năm 2022, ngành sẽ tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất để vừa phát triển sản xuất nuôi tôm, vừa ứng phó có hiệu quả với dịch COVID-19. Bên cạnh đó, xây dựng kịch bản sản xuất tôm nước lợ trong điều kiện dịch, đảm bảo không bị động trước biến động của dịch bệnh.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả; phát triển các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Việc quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm cũng cần đẩy mạnh để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.
Đặc biệt, các địa phương quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm nếu có các vi phạm./.
Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Xem thêm