Không còn quan niệm nguồn lợi thủy sản là của trời cho

18/11/2021 | 331 |
0 Đánh giá

Sau nhiều năm triển khai mô hình đồng quản lý, khai thác nguồn lợi sò lông, ngư dân không còn quan niệm nguồn lợi thủy sản là của trời cho.

Vòng luẩn quẩn do cạn kiệt nguồn lợi

Vùng biển ven bờ Bình Thuận là nơi phân bố với mật độ cao của nhiều loài thân mềm hai mảnh vỏ sống ở vùng dưới triều.

Tuy nhiên theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, những năm qua, các bãi hải đặc sản vùng biển gần bờ của tỉnh bị khai thác cạn kiệt. 5 loài hải sản đặc trưng có giá trị kinh tế cao gồm sò lông, điệp quạt, bàn mai, dòm nâu, nghêu lụa cũng bị suy giảm nghiêm trọng.

Ngư dân ở xã Thuận Qúy (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đánh dấu giới hạn vùng biển bằng cách thả các điểm chà bằng bê tông, sọt sắt… vừa ngăn chặn tàu giã cào bay vào khai thác trái phép, vừa thu hút các loài hải sản đến sinh sống. Ảnh: KS.

Ngư dân ở xã Thuận Qúy (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đánh dấu giới hạn vùng biển bằng cách thả các điểm chà bằng bê tông, sọt sắt… vừa ngăn chặn tàu giã cào bay vào khai thác trái phép, vừa thu hút các loài hải sản đến sinh sống. Ảnh: KS.

Cùng với đó, hệ sinh thái và nền đáy biển bị tàn phá, cào xới làm mất đi sinh cảnh, nơi sinh sống, sinh sản, nơi kiếm ăn của nhiều loài thủy sản. Một số khu vực bãi rạn san hô, rạn đá ngầm, thảm rong và cỏ biển có tính đa dạng sinh học cao bị xâm hại thường xuyên. Môi trường, hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng, nhiều loài có mức độ nguy cấp và nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.

Ngoài ra, tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn phổ biến, nhất là việc sử dụng nghề, ngư cụ cấm gây hủy diệt môi trường, nguồn lợi. Các biện pháp chế tài xử lý vi phạm, nhất là với ngư dân nghèo thực thi chưa nghiêm. Nhiều hành vi khai thác bất hợp pháp bị buông lỏng, xử lý chỉ mang tính cảnh báo, giáo dục, ngăn ngừa nên thiếu tính nghiêm minh, răn đe.

Một số bộ phận ngư dân ý thức chấp hành pháp luật còn rất thấp, vì hám lợi mà bất chấp cảnh báo từ các cơ quan chức năng, vi phạm khai thác về ngư trường, mùa vụ, bắt hải sản non, sử dụng ngư cụ cấm làm cạn kiệt nguồn lợi trên vùng biển của tỉnh.

Sau nhiều năm kiên trì bảo vệ, nguồn lợi sò lông hiện nay đã rất dồi dào ở vùng biển Thuận Qúy. Ảnh: KS.

Sau nhiều năm kiên trì bảo vệ, nguồn lợi sò lông hiện nay đã rất dồi dào ở vùng biển Thuận Qúy. Ảnh: KS.

Trong khi đó theo ông Huy, việc ngăn chặn vi phạm nguồn lợi thủy sản là hết sức khó khăn do nhân lực chuyên trách, phương tiện, trang thiết bị trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn tỉnh chỉ có 41 người, ít được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, một bộ phận lớn tuổi (trên 51 tuổi chiếm gần 30%); phương tiện tuần tra, kiểm soát, hiện chỉ có 3 tàu (có 2 tàu đã sử dụng trên 20 năm) và 5 ca nô có công suất nhỏ, tốc độ thấp phải hoạt động liên tục, xuống cấp do sử dụng lâu năm, sức chịu đựng sóng gió hạn chế. Nguồn kinh phí cấp cho hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn hẹp...

Trong khi đó, vùng ngư trường quản lý của tỉnh rộng với diện tích vùng bờ, vùng lộng khoảng 14.000 km2, gấp 2 lần diện tích đất liền, với số lượng tàu cá hoạt động rất lớn (gần 10.000 chiếc trong và ngoài tỉnh).

Do đó, việc vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồi lợi thủy sản trên biển của tỉnh vẫn diễn ra phức tạp. Việc thực thi pháp luật vì vậy nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước là không đủ, không mang lại hiệu quả cao nếu thiếu vai trò tham gia của người dân.

Những nguồn lợi được hồi sinh

 Ông Huỳnh Quang Huy phân tích: Vòng luẩn quẩn mà ngư dân đang gặp phải đó là thu nhập thấp, nghèo khó. Từ đó dẫn đến ngư dân tập trung vào khai thác quá mức làm cho nguồn lợi suy giảm, và lại quay lại câu chuyện thu nhập thấp.

Trước thực trạng này, việc triển khai mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản sẽ được giải quyết được một cách thoả đáng. Điều này đã được chứng minh thực tế tại mô hình cộng đồng quản lý, khai thác nguồn lợi sò lông ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam.

Mô hình được triển khai từ năm 2015, với sự tài trợ từ dự án Quỹ môi trường toàn cầu nhằm khôi phục nguồn lợi sò lông trước thực trạng nguồn lợi sò lông có giá trị kinh tế cao bị khai thác quá mức, dần cạn kiệt.

Để ngăn chặn tàu giã cào xâm phạm vùng bảo vệ sò lông, ngư dân Thuận Quý làm các điểm chà bằng bê tông, sọt sắt để đánh dấu. Ảnh: KS.

Để ngăn chặn tàu giã cào xâm phạm vùng bảo vệ sò lông, ngư dân Thuận Quý làm các điểm chà bằng bê tông, sọt sắt để đánh dấu. Ảnh: KS.

Ông Đồng Văn Triễm, Chủ tịch Hội cộng đồng quản lý, khai thác nguồn lợi sò lông xã Thuận Quý bộc bạch: Ban đầu khi triển khai mô hình, ngư dân Thuận Quý không mặn mà lắm vì cảm thấy khá mới mẻ. Hơn nữa họ nghĩ rằng, nguồn lợi thủy sản là trời cho. Tuy nhiên khi cơ quan chuyên môn và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, bà con hiểu rõ lợi ích mô hình mang lại nên đã mạnh dạn tham gia, liên kết lại để tái tạo nguồn lợi.

Theo ông Triễm, trước khi triển khai mô hình này, ngư dân được tập huấn về phương thức đồng quản lý; đồng thời dự án xây dựng quỹ vay vốn (vay không tính lãi và xoay vòng cho các thành viên) để hỗ trợ ngư dân thực hiện các mô hình sinh kế nâng cao thu nhập như mua sắm ngư lưới cụ, hoạt động ngành nghề khác trên bờ...

Cùng với đó, để khôi phục lại nguồn lợi sò lông đã bị suy kiệt, dự án đã tài trợ một số tiền, cùng với huy động đóng góp của ngư dân thả hàng trăm tấn sò xuống biển. Hội còn tổ chức thi công, đánh dấu giới hạn vùng biển bằng cách thả các điểm chà bằng bê tông, sọt sắt… vừa ngăn chặn tàu giã cào bay vào khai thác trái phép, vừa thu hút các loài hải sản đến sinh sống.

Các điểm chà thu hút nguồn lợi thủy sản vào trú ngụ rất nhiều, ngư dân chèo thúng đánh lưới bắt cá kiếm thêm thu nhập. Ảnh: ĐT.

Các điểm chà thu hút nguồn lợi thủy sản vào trú ngụ rất nhiều, ngư dân chèo thúng đánh lưới bắt cá kiếm thêm thu nhập. Ảnh: ĐT.

Ông Đồng Văn Triễm, Chủ tịch Hội cộng đồng quản lý, khai thác nguồn lợi sò lông xã Thuận Quý cho biết, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hàng ngày Hội cử thành viên trực canh giữ không cho tàu giã cào vào khai thác, lặn bắt sò.

Bên cạnh đó, Hội cũng đã mở quán để trưng bày bán những sản vật thủy sản phục vụ bà con trong và ngoài xã. Về lâu dài, Hội đang nghiên cứu để khai thác thêm mô hình du lịch cộng đồng, đưa khu khách ra các điểm chà câu cá và dã ngoại.

“Đến nay, Hội đã bỏ xuống biển 30 điểm chà. Nhờ đó mà cá, mực, chình… vào sinh sống, trú ngụ rất nhiều. Còn sò lông cũng nhờ được bảo vệ nên sinh sản cũng rất mạnh. Hiện các thành viên của Hội chủ yếu khai thác sò lớn gần 20 con/kg, chứ không khai thác sò nhỏ”, ông Triễm chia sẻ và cho biết, đến nay Hội đã thu hút 54 người tham gia, tăng 20 người so với ban đầu. Các ngư dân trong Hội rất tâm huyết với mô hình và không bao giờ từ bỏ.

Ông Triễm bảo, dù sau này ông lớn tuổi không còn làm được nữa thì con, cháu sẽ thay bảo vệ. Bởi ông cho rằng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản là để cho con cháu của mình mai sau. Vì nhà nước đã quan tâm ngư dân, đã cấp giấy chứng nhận quyền mặt nước thì ngư dân có nhiệm vụ lo bảo vệ nguồn lợi.

Nguồn lợi sò lông tại vùng biển của xã Thuận Qúy từ chỗ gần như không còn gì, hiện đã được phục hồi. Ảnh: BT.

Nguồn lợi sò lông tại vùng biển của xã Thuận Qúy từ chỗ gần như không còn gì, hiện đã được phục hồi. Ảnh: BT.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Quý đánh giá, việc triển khai mô hình đồng quản lý nguồn lợi sò lông tại xã Thuận Quý đem lại nhiều lợi ích. Không chỉ ngư dân cùng đoàn kết bảo bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mà mô hình đã giúp nguồn thủy sản được phù hồi tái sinh, cũng như thu hút nhiều loài thủy sản về trú ngụ tại các điểm chà, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập.

Đặc biệt, mô hình này đã giúp ngư dân không còn quan niệm nguồn lợi thủy sản là của trời cho, cũng như có ý thức không vi phạm các hoạt động khai thác như sử dụng chất nổ, kích điện, khai thác sò non, khai thác trong mùa cấm…

Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, đến nay tỉnh Bình Thuận đã xây dựng và vận hành được 3 tổ chức cộng đồng ngư dân tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017.

Điều đáng mừng, các tổ chức cộng động đã giúp khôi phục được bãi sinh sản của nguồn lợi sò lông tại Thuận Quý hay sò điệp tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (trước khi thực hiện nguồn lợi này gần như không còn).

Để phát huy hơn nữa các tổ cộng đồng, thời gian tới, tỉnh sẽ kiện toàn, củng cố các mô hình đã xây dựng tại các xã Thuận Qúy, Tân Thành, Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam) và Phước Thể (Tuy Phong); đồng thời nhân rộng mô hình cho các địa phương có tiềm năng, có điều kiện. Cùng với đó thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển đồng quản lý trên địa bàn tỉnh…

KIM SƠ


Tin tức liên quan

Bình luận