Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản 11 tháng 2021 có gì đáng chú ý?

03/01/2022 | 302 |
0 Đánh giá

"Vua tôm" Minh Phú vẫn dẫn đầu với kim ngạch đạt 360,8 triệu USD, tăng trưởng 14,3% so với cùng kỳ. Tiếp theo là những cái tên quen thuộc như Stapimex, Vĩnh Hoàn, Fimex... Tuy nhiên, top 10 năm nay xuất hiện một số doanh nghiệp mới mà cùng kỳ năm ngoái không có mặt.

11 tháng thủy sản xuất siêu 6,2 tỷ USD

Theo số liệu thống của Tổng cục Hải quan, tháng 11, xuất khẩu thủy sản tăng tháng thứ 3 liên tiếp, đạt 910,9 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng 10 và 23% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch đạt 7,99 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 11 tháng qua, thủy sản xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ, chiếm 23,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, đạt trên 1,87 tỷ USD. 

Thị trường Nhật Bản chiếm 15,2%, đứng thứ hai về kim ngạch, đạt trên 1,21 tỷ USD. Xếp thứ ba là thị trường EU, đạt 914,1 triệu USD, chiếm 11,4%. Tiếp theo là Trung Quốc, chiếm 10,8%.

Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có gì đáng chú ý? - Ảnh 1.

11 tháng 2021, ngành thủy sản xuất siêu 6,2 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam chi 1,79 tỷ USD để nhập khẩu từ các thị trường. Ấn Độ, Na Uy, Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản là các thị trường chủ yếu cung cấp thủy sản cho Việt Nam. Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ dẫn đầu về kim ngạch, đạt 287,5 triệu USD, chiếm 16% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Thị trường xếp thứ hai là Na Uy với 203,5 triệu USD. Tiếp đến là các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản.

Như vậy trong 11 tháng, ngành thủy sản xuất siêu 6,2 tỷ USD.

Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản 11 tháng 2021 có gì đáng chú ý?

Bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong 11 tháng qua vẫn tăng trưởng mạnh.

"Vua tôm" Thủy sản Minh Phú (mã MPC) vẫn dẫn đầu về giá trị xuất khẩu. Lũy kế 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của  Thủy sản Minh Phú đạt 360,8 triệu USD, tăng trưởng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Minh Phú - Hậu Giang xếp thứ 3 với kim ngạch xuất khẩu đạt 232,6 triệu USD, tăng 6,9%. 

Cùng họ tôm, Stapimex ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng 10,1%% đạt 292,8 triệu USD, giữ vị trí số 2 trong Top 10. Trong khi đó, CASES giữ nguyên vị trí số 5 trong Top 10 ghi nhận giá trị xuất khẩu 11 tháng đạt 176,1 triệu USD, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

"Nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn trong 11 tháng đã leo lên vị số 3 (cùng kỳ xếp thứ 4), ghi nhận doanh số xuất khẩu 250,7 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có gì đáng chú ý? - Ảnh 2.

Fimex VN (mã FMC) và Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam lần lượt giữ nguyên vị trí số 6 và số 7 với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 153,1 triệu USD (giảm 9,2%) và 113,2 triệu USD (tăng 4,7%). 

Đáng chú ý, danh sách top 10 doanh nghiệp xuất khẩu xuất hiện thêm một số doanh nghiệp mới.

Đó là Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Thuan Phuoc Corp, mã THP) từ vị trí số 12 năm 2020 lên vị trí số 8 trong năm nay với kim ngạch đạt 104,2 triệu USD, tăng trưởng tới 20% so với cùng kỳ. 

Tương tự như vậy, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (Bien Dong Seafood) từ vị trí 11 năm ngoái năm nay lên vị trí số 9 với giá trị xuất khẩu đạt 97,8 triệu USD, tăng trưởng 12,1%.

Công ty CP Chế biến Thủy sản Kim Anh đứng vị trí thứ 10 với kim ngạch xuất khẩu đạt 88,5 triệu USD tăng 16,9%, trong khi năm 2020, công ty này đứng ở vị trí số 14.

Sau Nghị quyết 128, các địa phương đã thích ứng với việc chống dịch linh hoạt và hiệu quả, theo đó việc sản xuất thủy sản nói chung và sản xuất chế biến tôm nói riêng đã dần hồi phục, nhất là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu từ các thị trường đều tăng, giá nhập khẩu cũng có xu hướng tăng.

Tình hình dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng đến công suất và hiệu quả sản xuất, nhưng trong tình hình mới, các doanh nghiệp đều nỗ lực vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất, tận dụng cơ hội nhu cầu thị trường đang gia tăng. Do vậy, xuất khẩu thủy sản trong tháng cuối năm dự báo sẽ tiếp đà hồi phục như hiện nay.

ÔNG LÝ

 


Tin tức liên quan

Bình luận