Thủy sản Minh Phú: Hàng tồn kho tăng gấp đôi, lợi nhuận 9 tháng năm 2022 tăng 14%
Công ty mẹ Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phú) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận 9 tháng tăng trưởng vượt trội, đồng thời hàng tồn kho tăng gấp đôi so với đầu năm.
Thông tin chính:
- Hoạt động sản xuất kinh doanh của Minh Phú tương đối khả quan với lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2022 đạt 518 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ 2021.
- Hàng tồn kho của Minh Phú gấp đôi chỉ sau 9 tháng, đạt 2.000 tỷ đồng.
- Mỹ - Thị trường chiếm hơn ⅓ doanh thu xuất khẩu của Minh Phú diễn biến không thuận lợi khi lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ tôm của người Mỹ sụt giảm.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Vua tôm Minh Phú đạt 7.284 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, nhờ tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng (chế biến sẵn), biên lợi nhuận cải thiện, lợi nhuận của Minh Phú đạt 518 tỷ đồng trước thuế, tăng gần 14%.
Minh Phú là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới (bao gồm: Ác-hen-ti-na, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam). Tình hình hoạt động kinh doanh của Minh Phú vì vậy phản ánh phần nào bức tranh xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Hàng tồn kho tăng gấp đôi
Thị trường tôm Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn do sức mua toàn cầu sụt giảm, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…
Hàng tồn kho của Minh Phú đã tăng từ mức 1.006 tỷ đồng lên 2.001 tỷ đồng chỉ trong 9 tháng đầu năm. Tốc độ tăng hàng tồn kho của Minh Phú vượt trội so với tốc độ tăng doanh thu của công ty.
Hàng tồn kho tăng, các khoản phải trả của Minh Phú cũng tăng mạnh 60% so với đầu năm, lên mức 4.719 tỷ đồng. Đáng chú ý, toàn bộ các khoản phải trả của Minh Phú đều là ngắn hạn. Công ty không có khoản vay hay nợ phải trả dài hạn nào với các đối tác cũng như tổ chức tín dụng. Trong 9 tháng đầu năm, Minh Phú vay nợ thêm gần 600 tỷ đồng, nâng số nợ vay ngắn hạn lên mức 1.890 tỷ đồng.
Tình hình tài chính của Minh Phú tương đối lành mạnh với cấu trúc vốn cân đối, không bị áp lực nợ vay. Chi phí lãi vay của công ty trong 9 tháng đầu năm 2022 chỉ ở mức 25 tỷ đồng, tương đối thấp so với con số doanh thu gần 7.300 tỷ đồng.
Thị trường xuất khẩu kém khả quan
Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Minh Phú. Theo báo cáo thường niên 2021, thị trường này chiếm ⅓ doanh thu xuất khẩu của công ty.
Tình hình lạm phát cao ở nước này đẩy cuộc sống người dân vào khó khăn. Nhu cầu tiêu thụ tôm vì thế sụt giảm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn số liệu nhập khẩu tôm của Mỹ cho biết trong tháng 8, nhập khẩu tôm của nước này giảm 20% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với tháng 8/2021. Nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh nhất, VASEP cho biết.
Tình hình tương tự tại EU khi lạm phát khu vực này cũng tăng cao.
VASEP nhận định trong thời gian qua, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh, sang EU trầm lắng. Đây cũng là hai thị trường mà tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh mẽ với tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ.
Nhật Bản và Hàn Quốc đang là hai thị trường tăng trưởng tốt cho tôm xuất khẩu Việt Nam. Lũy kế 9 tháng, giá trị xuất khẩu sang hai thị trường này đạt 515 triệu USD và 365 triệu USD, tăng lần lượt 24% và 40% so với cùng kỳ năm ngoái - theo số liệu từ VASEP. Trong năm 2021, hai thị trường này chiếm tỷ trọng lần lượt 20% và 4,6% trong kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú.
Hồng Minh
Xem thêm