Nuôi trồng thủy sản công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường

31/01/2023 | 316 |
0 Đánh giá

Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường cho năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế từ nuôi trồng thuỷ sản tăng cao. Năm 2022, sản lượng thuỷ sản của Bắc Ninh đạt hơn 40.500 tấn, hình thành 162 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung, 22 vùng nuôi cá lồng trên sông, 153 cơ sở nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP.

Với ý chí và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2015, tận dụng lợi thế ven sông Đuống cùng với kiến thức tìm hiểu được từ mô hình nuôi cá lồng tại một số tỉnh, Ông Vũ Văn Chiến, thôn Kiều Lương, xã Đức Long (Quế Võ) nuôi thử nghiệm 8 lồng cá trên sông. Nhờ nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá cũng như áp dụng tốt biện pháp phòng, chống thiên tai nên hạn chế rủi ro, cá phát triển tốt, thu hoạch đạt năng suất cao. Từ hiệu quả bước đầu, cùng với sự hỗ trợ về nguồn vốn của hội Nông dân huyện, ông Chiến quyết định phát triển lên 30 lồng cá các loại. Việc nuôi cá lồng trên sông có những điều kiện thuận lợi nhất định do dòng nước lưu thông, nuôi cá trên sông không lo lượng thức ăn thừa, phân cá gây ô nhiễm nguồn nước như nuôi trong ao, giảm được khâu xử lý môi trường ao nuôi và thời gian nghỉ sau mỗi vụ, giúp giảm nhiều chi phí, nâng cao thu nhập. Với 30 lồng cá Lăng, chép giòn, còn lại là một số lồng nuôi cá diêu hồng, trắm, ngạnh, mỗi năm cho sản lượng từ  100-110 tấn, thu lãi từ 400 đến 500 triệu đồng/1 năm.

Toàn tỉnh có 20 vùng nuôi cá lồng trên sông đem lại thu nhập cao cho người nuôi trồng thuỷ sản.

Toàn tỉnh hình thành 162 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung quy mô từ 10ha trở lên với tổng diện tích là 2.757,6 ha; 153 cơ sở đăng ký và được cấp chứng nhận VietGap gắn truy xuất nguồn gốc; 20 vùng nuôi cá lồng trên song; hình thành 9 mô hình nuôi cá sông trong ao, nhiều mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh, mô hình nuôi cá siêu thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để có được kết quả tăng trưởng vượt bậc trong nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp, các địa phương thường xuyên quan tâm hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, đưa các giống thủy sản năng suất, sạch bệnh vào nuôi trồng. Đồng thời, việc tạo điều kiện và hỗ trợ vật tư làm lồng nuôi, hóa chất xử lý môi trường nước cho các lồng nuôi trên sông cũng góp phần lớn vào nâng cao năng suất, sản lượng thuỷ sản. Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y và Thuỷ sản tỉnh, hiện nay người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh áp dụng phổ biến hai mô hình nuôi cá công nghệ cao là: Nuôi cá trong ao đất và nuôi cá lồng trên sông. Hiện tại, nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao đất tại Bắc Ninh đã cho sản lượng lên tới 15 - 20 tấn/ha. Ưu điểm của những mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao là phân cá được thu gom về một góc và hút đi, đồng thời lượng ôxy được cung cấp đầy đủ liên tục nên cá lớn rất nhanh, khỏe mạnh, môi trường nước cũng vì thế hạn chế tối đa bị ô nhiễm môi trường nuôi.
Mục tiêu trong nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh là phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi cá đạt 4.800 ha, sản lượng thủy sản đạt 42.000 tấn, tốc độ tăng trưởng đạt 1,2%/năm trở lên; đến năm 2030, cơ cấu sản xuất thủy sản chiếm từ 14-15% toàn ngành; giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 300 triệu đồng/ha mặt nước; Đến năm 2045, ổn định diện tích sản xuất thủy sản ao đất khoảng 4.300ha; có hơn 80% diện tích nuôi thủy sản áp dụng công nghệ tiên tiến, CNC vào sản xuất. Để đạt các mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp cần chủ động, tích cực hợp tác, phối hợp với Viện Nghiên cứu, các trung tâm giống thủy sản quốc gia để chuyển giao, áp dụng công nghệ sản xuất giống, phòng trị bệnh, dịch vụ thú y, hỗ trợ nghiên cứu thị trường cho ngành thủy sản. Bên cạnh đó, tăng cường các lớp tập huấn, phổ biến chính sách hỗ trợ người dân, triển khai xây dựng công trình hạ tầng, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát môi trường, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản. Khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất trang trại, gia trại áp dụng công nghệ cao, hình thành các hợp tác xã, các chi hội nghề cá, nhóm hộ cùng sở thích, từ đó xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết tổ chức sản xuất thủy sản theo chuỗi nhằm phát triển bền vững.

Nguyễn Tuấn


Tin tức liên quan

Bình luận