Hộ nuôi tôm cần có phương án sản xuất thế nào trong bối cảnh dịch bệnh?

01/09/2021 | 307 |
0 Đánh giá

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng dự báo thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ tôm tăng, nên doanh nghiệp và hộ nuôi tôm cần có sự tính toán phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn thăm trang trại nuôi tôm tại huyện Trần Đề. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới người nuôi tôm, doanh nghiệp nuôi, chế biến thủy sản ở các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng, ngày 31/8, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cùng lãnh đạo một số sở, ngành đã khảo sát tình hình nuôi trồng, thu hoạch, tiêu thụ thủy sản tại huyện Trần Đề, một trong những địa phương có vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh.
Ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề cho biết, nhìn chung, năm 2021, người nuôi tôm bị giảm khá nhiều về sản lượng và giá cả so với cùng kỳ các năm trước.

Thu hoạch tôm công nghệ cao tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Toàn huyện Trần Đề đã xuống giống khoảng 4.500 ha, khả năng đến hết mùa vụ vào ngày 30/9, toàn huyện sẽ thả giống khoảng 5.000 ha tôm. Năng suất tôm phần diện tích đã thu hoạch ước đạt trên 20-25 tấn/ha với diện tích nuôi siêu thâm canh khoảng 8-9 tấn/ha. Khả năng sản lượng của huyện Trần Đề đến cuối mùa vụ sẽ vượt cao hơn so với kế hoạch là 35.000 tấn tôm trong cả năm 2021.
Đoàn công tác đã đến trang trại nuôi tôm siêu thâm canh của Công ty TNHH Khánh Sủng, tại ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề. Đây là khu nuôi tôm có diện tích khoảng 60 ha theo hình thức công nghệ cao. Tôm nuôi sau thu hoạch đạt năng suất, chất lượng tốt được dùng làm nguyên liệu để chế biến, phục vụ thị trường xuất khẩu.

Thu hoạch tôm công nghệ cao tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Theo lãnh đạo công ty, kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tỉnh chuyển sang việc phân vùng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, việc sản xuất của công ty cũng khá thuận lợi, nhất là lượng công nhân đã trở lại làm việc nhiều hơn và giá tôm đã bắt đầu tăng theo từng ngày.

Để công nhân yên tâm làm việc tại nhà máy, công ty kiến nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho các đối tượng như: công nhân, người thu hoạch, người thu mua...
Trong khi đó, thực trạng tại hộ nuôi tôm của ông Phan Văn Lý Sơn tại xã Trung Bình (Trần Đề) thì ngược lại. Giá tôm giảm, ảnh hưởng đến thu nhập lại cộng thêm việc thiếu nguồn hàng thức ăn cho con giống, thiếu lao động công nhật và xe vận chuyển thức ăn đến tận khu vực nuôi tôm, do kẹt chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh...

Ông Sơn bày tỏ mong muốn tiếp tục được chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ việc vận chuyển thức ăn, hỗ trợ thu mua nguyên liệu và đẩy giá cả tăng thêm.

Nhiều diện tích tôm năm nay hứa hẹn cho năng suất cao nhưng người nuôi lo đầu ra khó do dịch COVID-19. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Sau khi chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp và người nuôi tôm; đồng thời ghi nhận những ý kiến đề xuất, kiến nghị của người nuôi tôm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nuôi tôm trong khâu sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, tình hình giá cả, đầu ra của con tôm hiện đang có hướng tốt lên do tình hình dịch bệnh đang dần được khống chế ở tỉnh Sóc Trăng. Việc sản xuất, tiêu thụ tôm tại doanh nghiệp và hộ nuôi cũng khá ổn định.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng dự báo thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ tôm tăng, nên doanh nghiệp và hộ nuôi tôm cần có sự tính toán phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp để cung ứng nguồn tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Đặc biệt, các hộ nuôi tôm nên nắm bắt thông tin thị trường, đánh giá tác động môi trường và tiềm năng tiêu thụ thông qua ngành chuyên môn nhằm triển khai việc thả nuôi tôm hợp lý, đảm bảo lợi nhuận tốt sau thu hoạch./.

Theo BNEW


Tin tức liên quan

Bình luận