Nông, lâm, thủy sản quý I tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước

30/03/2021 | 360 |
0 Đánh giá

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I năm 2021 lại có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước...

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: HG.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: HG.

Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế – xã hội cả nước. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp, kết quả tăng trưởng quý I cho thấy mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế” đạt hiệu quả cao.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung.

Theo số liệu được đưa ra tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý I năm 2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức vào sáng ngày 29/3, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá, đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng.

Cụ thể, ngành nông nghiệp tăng 3,19%, chỉ thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021, làm tăng 0,29 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngành lâm nghiệp tăng 3,78% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm. Còn ngành thủy sản tăng 2,90%, cao hơn mức tăng 2,79% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi: rét đậm, rét hại, hạn hán và xâm nhập mặn không diễn ra gay gắt như cùng kỳ năm trước.

Cùng đó, năng suất lúa và sản lượng cây lâu năm đạt khá; đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng. Sản xuất thủy sản khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước, giá cá tra và tôm thương phẩm có xu hướng tăng.

Tính đến ngày 25/3/2021, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Nam; dịch lở mồm long móng còn ở Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk.

Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn ở 19 địa phương và dịch viêm da nổi cục trên trâu bò phát sinh tại 17 địa phương chưa qua 21 ngày.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, trong thời gian tới cần tập trung một số nội dung trọng tâm: Ngành Nông nghiệp cần điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa, tăng cường chỉ đạo sản xuất các cây trồng chủ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, và đặc biệt cần linh hoạt trong chỉ đạo với từng vùng, từng loại cây.

Việc chuyển đổi cần phù hợp thổ nhưỡng và thị trường. Trong quá trình chuyển đổi, các cơ quan hữu quan cần luôn bám sát và có những kiến nghị để sản xuất không chạy theo phong trào, tránh tái diễn việc “giải cứu” nông sản.

Đối với các địa phương áp dụng mô hình canh tác tôm – lúa, cần có định hướng và quy hoạch, quy định rõ ràng về việc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản để vừa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, vừa đảm bảo đất lúa không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn do canh tác lúa – tôm.

Đối với chăn nuôi, tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi, tiếp tục đưa ra các chính sách, gói hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật để người nông dân tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước; chăn nuôi gia cầm cần kiểm soát tốt về mặt tăng đàn, theo dõi sát nhu cầu của thị trường tránh tăng đàn ồ ạt.

Theo Báo Nông Nghiệp


Tin tức liên quan

Bình luận