Cước tàu biển tăng cao đánh tụt lợi nhuận, "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh và "vua tôm" Lê Văn Quang "khóc ròng"
Mặc dù xuất khẩu thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh, nhưng "vua tôm" Lê Văn Quang, "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh và nhiều doanh nghiệp thuỷ sản khác "khóc ròng" khi doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận đì đẹt. Nguyên nhân là do cước phí tàu biển tăng cao và chi phí lãi vay phình to
CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (UPCoM: THP) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần tăng 59%, lên 777 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí cước biển cao gấp 4 lần, đạt 35 tỷ đồng khiến doanh nghiệp chỉ lãi 10 tỷ đồng, giảm 50%.
Chi phí cước tàu biển tăng vọt, "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh "khóc ròng"
Đáng nói, THP không phải là doanh nghiệp thủy sản duy nhất có lợi nhuận bị "bào mòn" do thiếu container và chi phí cước biển tăng cao. Thực phẩm Sao Ta (Fimex), Camimex Group (Camimex), Thuỷ sản Minh Phú của "vua tôm" Lê Văn Quang, Vĩnh Hoàn của "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lê Khanh.. đều ghi nhận lãi ròng quý II/2021 giảm so với cùng kỳ dù doanh thu "nhảy vọt".
Trước đó, từ cuối tháng 11/2020, phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả hàng khô và hàng lạnh) đã tăng đột biến. Điển hình, giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/cont, đến tháng 12.2020 là 5.000 USD/cont, tháng 5.2021 vọt lên tới 9.100 USD/cont; Container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 có giá 1.800 USD/cont, đến tháng 12.2020 là 4.000 USD/cont, ghi nhận tới tháng 5 vừa qua đã tăng gấp đôi, lên 8.000 USD/cont.
Mới đây, hồi đầu tháng 7, VASEP cho biết, thời gian qua, các hãng tàu đã thông báo tăng giá cước từ 2 - 10 lần. Trong đó, giá thuê container và phụ phí liên tục tăng "phi mã".
Đơn cứ, Báo cáo tài chính quý II/2021 của CTCP Nam Việt (Navico, HOSE: ANV) ghi nhận doanh thu trong kỳ của doanh nghiệp đạt 1.074 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo đà tăng của doanh thu, chi phí giá vốn tăng 18%, do đó lợi nhuận gộp đạt hơn 138 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 4,2% xuống còn 2,2%.
Trong kỳ, chi phí bán hàng tăng 137% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu là chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng từ 14 tỷ lên 60 tỷ đồng) dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm 35%, về ngưỡng 13,1 tỷ đồng.
Thủy sản Mekong (AAM) còn gặp khó hơn khi doanh thu bán niên giảm hơn 9% xuống 60 tỷ đồng và qua đó thua lỗ hơn 4 tỷ đồng, cùng kỳ vẫn có lãi. Công ty lý giải giá bán thấp cùng chi phí cước tàu tăng mạnh là yêu tố gây lỗ trong kỳ.
Một công ty lớn trong ngành là CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) của "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh cũng ghi nhận khó khăn tương tự. Dù cho doanh thu thuần tăng đến 837 tỷ, đạt 4.131 tỷ đồng, lợi nhuận gộp bán niên tăng 29% lên 706 tỷ đồng, nhưng chi phí lớn khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn tăng 4% lên 392 tỷ đồng.
Thuyết minh Báo cáo tài chính của Vĩnh Hoàn cho thấy, chi phí bán hàng của doanh nghiệp tăng đột biến lên hơn 190 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ do tăng chi phí vận chuyển, lưu kho và chi phí dịch vụ mua ngoài khác. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 30%, lên gần 100 tỷ đồng chủ yếu do chi phí phúc lợi nhân viên và phân bổ lợi thế thương mại.
"Vua tôm" Lê Văn Quang lãi đậm nhờ vùng nuôi nguyên liệu
CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex. HOSE: FMC) là doanh nghiệp thủy sản hiếm hoi ghi nhận doanh thu và lãi ròng quý II đồng loạt tăng trưởng. Doanh thu thuần trong kỳ hơn 1.161 tỷ đồng, tăng 33% so với quý II/2020, trong khi lợi nhuận sau thuế cũng cao hơn 55%, đạt 82 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu FMC đạt 2.129 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 113 tỷ đồng, tăng 22%.
Lưu ý rằng, FMC cũng chịu tác động từ việc tăng giá cước tàu biển, khi chi phí vận chuyển tăng mạnh từ 24 tỷ đồng lên 43 tỷ đồng. Chủ tịch Fimex ông Hồ Quốc Lực cho biết giá cước vận tải của công ty đã cao gấp 4-5 lần trước đại dịch, như đi Mỹ khoảng 10.000 USD/container hay đi châu Âu cũng khoảng 7.500 USD/container, các chủ tàu nước ngoài chiếm lĩnh gần như toàn bộ các tuyến vận tải đường dài này.
Thế nhưng, giải trình biến động lợi nhuận sau thuế, phía FMC cho rằng lợi nhuận vẫn tăng trưởng nhờ hiệu quả thu hoạch tôm tự nuôi khả quan.
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) của "vua tôm" Lê Văn Quang chưa ra báo cáo tài chính quý II/2021. Tuy nhiên, việc giá cước tăng mạnh dường như là con dao cắt xén khá lớn phần lợi nhuận mà doanh nghiệp thu về.
Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ 2021, Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang cho biết, hiện tại cước container đi các cảng tăng từ 2-4 lần, tức tăng 400% và không biết được liệu cước còn tăng nữa không?
Theo "vua tôm" Lê Văn Quang, tháng 6 kết quả kinh doanh cũng sẽ tốt như tháng 5 nhưng sẽ tốt hơn ở tháng 7-10. Hiện tại 5 tháng lãi trước thuế hơn 200 tỷ đồng, 6 tháng ước tính khoảng 300 tỷ. Những tháng kia vẫn rủi ro ở container tàu. Nếu Quảng Đông chống dịch tốt thì khối lượng container được giải phóng, Thuỷ sản Minh Phú sẽ được hưởng lợi hơn.
Chi phí lãi vay "phình to"
Tuy nhiên, chi phí cước biển không phải là nguyên nhân duy nhất khiến lợi nhuận công ty thủy sản sụt giảm trong kỳ, tổng hợp báo cáo tài chính các doanh nghiệp kể trên cho thấy, chi phí tài chính hay cụ thể hơn là chi phí lãi vay cũng tăng vọt, đi kèm them đó là sự phình to chỉ tiêu "nợ phải trả" so với đầu năm.
Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2021, nợ phải trả Thuận Phước có hơn 1.227 tỷ đồng, tăng 380 tỷ đồng; Navico có 2.622 tỷ, tăng 122 tỷ đồng; FMC có 1.042 tỷ, tăng 412 tỷ đồng; Vĩnh Hoàn có 2.505 tỷ, tăng 479 tỷ đồng; Camemix có 1.003 tỷ, tăng 66 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, trong khoảng thời gian gần đây nhóm cổ phiếu thuỷ sản đã có những tín hiệu tích cực hơn so với diễn biến chung của thị trường. Tính riêng từ đầu tháng 6 tới nay, cổ phiếu ANV của Thuỷ sản Nam Việt đã tăng khoảng 30%; cổ phiếu VHC của "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh tăng hơn 15%, FMC của Sao Ta tăng 17%, MPC của "vua tôm" Lê Văn Quang và CMX của Camimex Group cùng có mức tăng khoảng 13%,...
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong nửa cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục phục hồi khi các doanh nghiệp đã thích nghi tốt với những biến đổi của thị trường dưới tác động của dịch COVID-19.
Nhu cầu từ các thị trường lớn tăng khi kinh tế phục hồi sau đại dịch và các ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực cũng là yếu tố hỗ trợ ngành thủy sản.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng các doanh nghiệp cũng cần theo dõi diễn biến thị trường, đặc biệt là tình hình phục hồi khả năng cung ứng từ các thị trường cung cấp khác như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Indonesia sau đại dịch để có thể chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, báo cáo ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 6/2021 của Hãng tài chính Mirae Asset cho biết, lợi nhuận nhóm doanh nghiệp thuỷ sản được dự báo phục hồi 6 tháng cuối năm khi các áp lực bao gồm chi phí tăng và nỗi lo gián đoạn nguồn cung vì dịch Covid-16 sẽ dần dần được gỡ bỏ trong nửa sau năm 2021.
Trên cơ sở này và việc dòng tiền đầu tư phản ứng tích cực với các tin mới cập nhật, Mirae Asset tin rằng giá các cổ phiếu nhóm xuất khẩu thủy sản sẽ bước vào giai đoạn phục hồi trong tháng 6 và nửa sau năm 2021.
Mirae Asset đánh giá thị giá của các cổ phiếu nhóm xuất khẩu thủy sản có khả năng vượt qua các đỉnh trước đây nhờ việc mặt bằng giá được điều chỉnh theo tương quan với mức VNIndex mới được hình thành ở khu vực 1.300 điểm.
Xem thêm