Cà Mau và Bạc Liêu: Nuôi tôm công nghệ cao, nông dân, doanh nghiệp đang lao đao
Ghi nhận tại các tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu trong những ngày giãn cách xã hội, người nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao đang gặp khó khăn vì giá tôm sụt giảm, nuôi tôm quá lứa, trong khi chi phí sản xuất tăng cao.
Người nuôi tôm quảng canh không ảnh hưởng lớn
Sản xuất và cung ứng hàng hoá là yếu tố quan trọng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 14 ngày.
Tại Cà Mau, tỉnh đang tập trung sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong thời điểm dịch Covid-19. Thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác trên địa bàn không những dư thừa cho tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất khẩu với số lượng rất lớn.
Sau khi trừ mức tiêu thụ tại địa phương, đến hết tháng 7 này, lượng hàng thủy sản còn dư thừa 25.540 tấn, cần được xuất khẩu. Trong tháng 8, lượng hàng dư thừa sau tiêu thụ địa phương cần xuất 43.560 tấn.
Mặc dù thực hiện giãn cách, nhưng các hoạt động sản xuất, thu hoạch, thu mua tôm ở Cà Mau vẫn diễn ra bình thường. Ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân nên bình tĩnh nắm thông tin, tránh hoang mang mà thu hoạch tôm ồ ạt, thu hoạch tôm không đúng kích cỡ, dẫn đến thiệt hại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Hiên (ngụ xã Tân Thành, TP.Cà Mau) cho hay: "Trong tình hình dịch bệnh, giá cả biến động thì những hộ nuôi tôm quảng canh ít bị ảnh hưởng. Hiện tại, nhiều hộ dân nuôi tôm quảng canh vẫn thu hoạch và bán tôm sú bình thường. Trong trường hợp giá tôm sụt giảm thì nông dân không thu hoạch mà cứ để trong vuông, cũng không tốn thêm tiền thức ăn và công chăm sóc".
"Đối với các hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao chỉ cần vài ngày thì chi phí thức ăn, nhân công là rất lớn" - ông Hiên nhận định.
Tại Bạc liêu, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ban hành văn bản về việc quản lý các phương tiện vận tải hàng hóa khi vào địa bàn tỉnh và lưu thông trong nội tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay.
Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh Bạc Liêu (kể cả các phương tiện của tỉnh Bạc Liêu trở về từ các tỉnh thành khác) thì người lái xe và người theo xe phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu).
Từ đây, gây ra nhiều khó khăn cho các tài xế vận chuyển tôm đi tiêu thụ ở ngoài tỉnh Bạc Liêu.
Theo nhiều nông dân nuôi tôm ở Bạc Liêu, nhiều tài xế ngại nên không đi vận chuyển tôm. Điều này góp phần làm giá tôm ở địa phương sụt giảm đáng kể.
Anh Nguyễn Văn Hoạt, (ngụ xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu), cho biết: "Giá tôm thẻ hiện nay xuống khá thấp, gây nhiều khó khăn cho nông dân. Khoảng 1 tuần trước, tôi mới bán một lô tôm thẻ loại 27 con/kg với giá 145.000 đồng/kg (giảm khoảng 8.000 ngàn đồng/kg so với trước đó). Hiện tại giá tiếp tục sụt giảm; trong khi thương lái mua rất kén chọn".
"Hiện tại thị trường chợ đầu mối Bình Điền không bán được, chủ yếu thương lái bán cho các công ty dự trữ. Ở thời điểm này, nếu nông dân nào có tôm đến lứa thu hoạch thì họ sẽ không bán mà tiếp tục nuôi dù chi phí cao. Còn đối với những hộ có tôm bị sự cố thì bắt buộc phải bán, dù giá có thấp" - anh Hoạt chia sẻ.
Còn anh Long Văn Nghĩa (ngụ xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), cho biết thêm: "Hiện tại người nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao ở địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Khó nhất là đầu ra và thương lái mua ép giá nông dân".
"Trước đó, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tác động khiến giá tôm sụt giảm, nhiều nông dân lo sợ đã ồ ạt thu hoạch tôm. Từ đó, các xí nghiệp đã thu mua và trữ khá nhiều. Đến nay thì số lượng tôm trong các kho khá lớn, dẫn đến thương lái đi mua rất dè dặt" - anh Nghĩa cho hay.
Cũng theo anh Nghĩa, trong nuôi tôm siêu thâm canh, tôm đến lứa thu hoạch liên tục mỗi tháng. Trong khi giá tôm sụt giảm còn thức ăn thì tăng. Giá tôm thẻ hiện giảm từ trung bình 20.000 ngàn đồng/kg ở các size, so với khoảng nửa tháng trước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Nhã – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Hiện tỉnh cũng đang vào vụ tôm. Theo thống kê từ đây đến giữa tháng 8, tỉnh thu hoạch khoảng 10.000ha, sản lượng từ 45.000-50.000 tấn. So với cách đây 1 tháng thì giá tôm có giảm, nhưng không nhiều".
"Thời điểm chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội thì tỉnh cũng có một chút khó khăn liên quan đến vận chuyển và điều tiết công nhân ở các cơ sở chế biến. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng đã họp chỉ đạo tháo gỡ. Hiện, qua nắm các địa bàn nuôi tôm trọng điểm của tỉnh thì tình hình tạm ổn, đảm bảo không ùn ứ tôm trong dân"- ông Nhã thông tin.
Theo BÁO DÂN VIỆT
Xem thêm