Bloomberg: Bị làm khó đủ đường, tôm hùm Australia tìm cửa sau vào Trung Quốc qua ngả Hồng Kông
Gặp khó khi tiếp cận thị trường Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, tôm hùm Australia vẫn tìm được đường vào quốc gia đông dân nhất thế giới qua ngả Hồng Kông.
Tôm hùm Úc, một món ăn ngon từ lâu được người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao, vẫn có thể tìm đường tới được các bàn ăn ở quốc gia đông dân nhất thế giới Trung Quốc thông qua cửa hậu là Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Xuất khẩu tôm hùm của Australia sang Hồng Kông đã tăng mạnh trong bối cảnh Trung Quốc áp thuế mạnh mẽ với hàng hóa nhập khẩu của Australia, Bloomberg đưa tin.
Kể từ khi các chuyến hàng đến Trung Quốc gần như tạm dừng vào tháng 11 năm ngoái, Hồng Kông trở thành nhà nhập khẩu tôm hùm Úc lớn nhất thế giới. Giao dịch hàng tháng tăng tới 2.000%. Dù giá thấp hơn khiến nhu cầu ở Hồng Kông gia tăng nhưng các chuyên gia cho rằng đây không phải lý do tạo ra sự đột biến. Mấu chốt ở chỗ loại hải sản này được đưa vào Trung Quốc đại lục tiêu thụ.
Deborah Elms, một nhà nghiên cứu về thương mại châu Á tại Singapore, cho biết: "Khó có khả năng những công dân Hồng Kông, vốn bị hạn chế ra ngoài, lại mua lượng tôm hùm nhiều gấp 20 lần trong suốt 6 tháng qua".
Thực tế, Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố cấm nhập khẩu tôm hùm Australia. Tuy nhiên, họ áp dụng các biện pháp mới trong việc thông quan và kiểm tra hàng hóa, khiến thời gian đưa tôm hùm vào Trung Quốc kéo dài hơn rất nhiều. Ngược lại, loại mặt hàng này thường được vận chuyển bằng máy bay trong vòng 72 giờ để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Việc Trung Quốc gây khó đã khiến hàng loạt máy bay chở hàng, chuyên đảm trách nhiệm vụ đưa tôm hùm từ Australia sang Trung Quốc, bị bỏ xó vào cuối năm ngoái. Các quan chức Australia cũng nỗ lực khiếu nại về việc thông quan loại mặt hàng này với Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái nhưng họ vẫn chưa nhận được phản hồi.
Tôm hùm là mặt hàng mới nhất trong chuỗi các mặt hàng xuất khẩu của Australia bị cuốn vào những căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa 2 nước trở nên xấu đi sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc của virus.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc nhập 93% lượng tôm hùm xuất khẩu trị giá 412 triệu USD của Australia trong giai đoạn 2019-2020. Ở Trung Quốc, tôm hùm được gọi là tôm rồng, một món ăn biểu tượng cho sự thịnh vượng nhờ cái tên tốt lành và màu đỏ rực rỡ của nó. Chúng thường được hấp và bày ra đĩa với nguyên vỏ trong các bữa tiệc mừng.
Hiện tại, tôm hùm vẫn được bán trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc. Theo Trung tâm Thương mại châu Á, một tổ chức có trụ sở tại Singapore, việc chuyển hàng tới các nền kinh tế khác để nhập khẩu thường là biện pháp "cửa sau" để né tránh những hạn chế. Trước khi Trung Quốc và Australia đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại Tự do cuối năm 2015, hàng hóa thường được đưa tới Đông Nam Á trước khi nhập khẩu vào Trung Quốc.
Ngay trong thời kỳ dịch bệnh, Australia vẫn đảm bảo để tuyến đường vận tải hàng không tới Hồng Kông được thông suốt thông qua Cơ chế Hỗ trợ Vận tải Quốc tế. Tuy nhiên, một số người có liên quan cho rằng nhập khẩu tôm hùm tăng mạnh ở Hồng Kông là do giá thành thấp hơn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia thì cho biết họ đang hỗ trợ ngành công nghiệp tôm hùm "phát triển sang các thị trường khác mà họ xác định có cơ hội". Về các biện pháp "làm khó" của Trung Quốc, phía Australia nhấn mạnh: "Chúng tôi tôn trọng quyền của các quốc gia nhập khẩu trong việc kiểm tra khoa học và độ an toàn của sản phẩm cũng như kiểm dịch. Tuy nhiên, chúng không được cản trở một cách không cần thiết, làm ảnh hưởng tới khả năng kinh doanh của những sản phẩm có giá trị cao hoặc nhạy cảm về mặt thời gian của các nhà xuất khẩu chúng tôi".
Linh Anh
Theo Nhịp sống kinh tế
Xem thêm