Cà Mau: Thị trường xuất khẩu rộng mở nhưng Covid-19 đang “cầm chân” doanh nghiệp

03/10/2021 | 406 |
0 Đánh giá

Kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau 9 tháng của năm nay tăng khoảng 14 %. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng dịch Covid-19, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng mạnh, thiếu lao động, thiếu nguyên liệu,... đang là những khó khăn rất cơ bản của các doanh nghiệp hiện nay.

Covid-19 “cầm chân” con tôm

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua có nhiều biến động. Giá tôm sú loại 30 con/kg vào tháng 7 giảm còn 160 ngàn đồng/kg; hiện đã tăng lên mức 180 ngàn đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn khoảng 10% so với cùng kỳ. Còn giá tôm thẻ chân trắng lên xuống rất thất thường.

Vào thời điểm cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 vừa qua, giá tôm thẻ loại 100 con/kg giá chưa tới 70.000 đồng/kg; so với thời điểm tháng 6, giảm khoảng 30%. Khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, giá tôm thẻ cũng tăng trở lại, tuy nhiên, hiện cũng chỉ ở mức trên 80 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc HTX thủy sản Hòa Hiệp (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, Cà Mau) cho biết, người đi thu mua tôm phải test Covid-19 nên phải cộng thêm phí. Hiện tại, việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt, giá tôm rẻ hơn nhiều so với thời điểm tháng trước. Theo đó loại 100 con/kg rẻ hơn 20.000 đồng, loại 20 – 30 con/1kg rẻ hơn khoảng 10.000/kg.

Cũng chính vì giá tôm thất thường và tình hình dịch bệnh phức tạp thời gian qua mà nhiều người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở Cà Mau lựa chọn phương án "treo ao". Điển hình như tại HTX Hòa Hiệp, các xã viên chỉ đang nuôi khoảng 20ha/tổng số 58 ha diện tích. Cũng chính điều này được cho là gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường (xã Tắc Vân, TP Cà Mau) là một trong những đơn vị đang thiếu tôm nguyên liệu để chế biến. Hiện công suất của công ty chỉ đạt khoảng 30% nhu cầu đơn đặt hàng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chi phí sản xuất của công ty đã tăng khoảng 3 lần; chi phí logistics xuất khẩu hàng qua châu Âu tăng tới 7 lần và doanh nghiệp phải tốn gần 300 triệu đồng/container. Hiện công ty cũng đang thiếu công nhân.

Xuất khẩu tăng nhưng khó tạo đột phá

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Minh Cường cho biết, thị trường xuất khẩu dư địa còn nhiều, sản xuất bao nhiêu cũng tiêu thụ được, nhưng dịch Covid-19 đang là rào cản lớn.  

Khó khăn là vậy nhưng giá trị xuất khẩu tôm của Công ty Minh Cường không giảm so với cùng kỳ vì ngoài thuận lợi của thị trường, còn nhờ giá tôm xuất khẩu tăng. Tính đến tháng 9, sản lượng tôm chế biến của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau ước đạt khoảng 128.000 tấn, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn giá trị xuất khẩu đạt khoảng 740 triệu USD, bằng 71% kế hoạch, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ.

Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau thông tin, xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng khá cao, khoảng 20%. Tháng 8 – 9 kim gạch giảm nhưng lũy kế tính ra vẫn tốt hơn năm ngoái. Các doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận thì bị giảm. Tình hình vận chuyển, chi phí logistics tăng nhiều. Về công tác phòng chống dịch, doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” thì không thể sử dụng hết được lực lượng lao động, chủ yếu hoạt động 30 – 50% công suất.

Thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Cà Mau như: EU; Mỹ, Nhật,... đã triển khai tiêm vắc xin diện rộng, trở lại với các hoạt động bình thường đang kích thích thị trường mạnh mẽ. Những lợi thế từ các hiệp định thương mại nước ta tham gia như: CPTPP, EVFTA,… đang được doanh nghiệp tận dụng để có lợi thế. Tuy nhiên, những khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 vẫn đang là rào cản để xuất khẩu tôm đột phá./.

(Theo VOV)


Tin tức liên quan

Bình luận