Cá lóc, cá rô dội ao ở Bình Chánh trong khi người dân không có mua

21/07/2021 | 349 |
0 Đánh giá

Hàng trăm tấn cá đang nằm chờ tại ao ngay trên địa bàn TP.HCM trong khi người dân ở vùng nội thành lại không có để mua.

Cá dội ao

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại Củ Chi, Bình Chánh đã nhiều ngày qua chạy ngược chạy xuôi để tìm điểm bán cho các lứa cá đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn không được. Trưa nay (21.7), trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Ánh Lan - Chủ tịch Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Tương Lai (Củ Chi) - cho hay sau hơn 1 tuần tìm đủ mọi cách bán hàng thì đơn vị này chỉ tiêu thụ được khoảng hơn 10 tấn cá rô, cá lóc, chưa bằng một ngày bình thường bán cho thương lái trước đây. Điều này khiến lượng cá ước tính tồn đọng của hợp tác xã còn hơn 70 tấn.

Trong công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM ngày 9.7, bà Nguyễn Thị Ánh Lan cho hay toàn thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng hợp tác xã đã đến lúc thu hoạch cá rô, cá lóc dự kiến từ ngày 11.7. Các chợ đầu mối, chợ nhỏ đều đóng cửa và việc liên thông giữa các tỉnh cũng rất hạn chế, do đó thương lái không có điểu kiện để thu mua cá cho hợp tác xã như trước đây. Vì vậy bà mong được các đơn vị kết nối, hỗ trợ đầu ra cho số lượng cá tươi sống hiện có. Giá bán lẻ được Hợp tác xã Tương Lai cung cấp bằng với giá bán sỉ là 30.000 đồng/kg cá rô và 48.000 đồng/kg đối với cá lóc. 

Tương tự, ông Nguyễn Công Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hưng (Bình Chánh) cũng cho hay hiện các hộ gia đình trong xã đang bị tồn đọng khoảng 430 tấn cá gồm cá tra, cá trê, cá dồ lém. Vào ngày 15.7, hội cũng gửi công văn "cầu cứu" với Hội Nông dân TP.HCM để hỗ trợ tiêu thụ số cá tươi này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả và việc kết nối với các hệ thống phân phối vẫn còn đang tiếp tục thực hiện.

Hộ nuôi không thể bán lẻ và giao hàng từ 5 kg, 10 kg 

Hầu như nhiều hộ nông dân, hợp tác xã trước đây đều bán sỉ cho thương lái để đưa về các chợ đầu mối, từ đó phân xuống cho nhiều chợ lớn nhỏ bán lẻ ở nhiều nơi. Nhưng hiện nay khi hầu hết chợ đầu mối, chợ truyền thống lẫn chợ tạm đều ngừng hoạt động để phòng chống dịch thì thương lái không mua hàng nữa. Điều đó khiến cá tươi phải nằm chờ trong ao. Cụ thể, sau đơn "cầu cứu", hợp tác xã Tương Lai được kết nối với một số hệ thống bán lẻ nhưng lại không thể cung cấp được. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Lan, chẳng hạn Bách hóa Xanh muốn đặt hàng từ 10 - 15 kg cá/ngày cho một cửa hàng nhưng phải giao xuống cho từng điểm bán thì hợp tác xã không đủ phương tiện, nhân lực giao lẻ như vậy. Còn nhiều hộ dân liên hệ mua lẻ thì lại có nhu cầu cá phải được làm sạch nên hợp tác xã cũng không thực hiện được... 

"Chúng tôi cũng được Củ Chi tạo điều kiện bán lẻ như đậu xe một điểm bán cố định và người dân đến mua, thực hiện giãn cách theo quy định... Nhưng điểm bán này cũng thuộc trong khu vực phong tỏa nên lại tạm ngưng. Trong khi nhiều địa phương khác thì không được phép tổ chức điểm bán như vậy. Hiện chúng tôi vẫn mong nếu được thì các địa phương hỗ trợ điểm bán cố định để vừa cung cấp cho người dân với giá thấp, vừa giúp người nuôi trồng tiêu thụ được cá", bà Nguyễn Thị Ánh Lan nói.

Cá lóc, cá rô dội ao ở Bình Chánh trong khi người dân không có mua - ảnh 1

Quầy cá ở nhiều siêu thị tại TP.HCM không hề có cá lóc, cá rô trong nhiều ngày qua

M.PHƯƠNG

Cũng theo ông Nguyễn Công Sơn, hội mong muốn được bán cá với giá 25.000 đồng/kg dù bán lẻ hay bán sỉ (nếu mua sỉ sẽ có giá giảm thấp hơn). Trước đây các hộ nông dân xã Bình Hưng đều bán hết cho thương lái đưa về chợ đầu mối Bình Điền và đưa xuống tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây. Nhưng nay chợ Bình Điền đóng cửa, việc giao hàng ở các tỉnh cũng rất khó khăn nên thương lái không thu mua nữa. Trong khi đó, có nhiều gia đình, nhóm khách hàng muốn mua lẻ 5 kg, 10 kg nhưng phải giao tận Q.1, Q.3... nên các hộ nuôi cũng không thể thực hiện được. "Một mẻ lưới thả xuống ao là kéo lên ít nhất cũng từ 2 tấn cá trở lên. Nay chỉ có vài nhóm gia đình mua lẻ thì không thể kéo lưới và cũng không đủ sức chia nhỏ, đi giao được. Cá để lâu trong ao càng lớn thì càng khó tiêu thụ, tăng chi phí... nên nông dân rất lo lắng", ông Nguyễn Công Sơn thở dài.

Trong khi cá tươi sống bị ứ đọng ở các ao nuôi ngay những xã vùng ven TP.HCM thì tại các quận nội thành, người dân không có cá để ăn. Chị Kim Loan (Q.7, TP.HCM) đặt hàng online tại siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát từ ngày 16.7 thì đến sáng nay (21.7) chị mới được gọi giao hàng nhưng thiếu nhiều món đã đặt. Trong đó, hôm chị đặt hàng thấy siêu thị vẫn rao giá cá lóc đen làm sạch với giá 96.000 đồng/kg thì nay báo là không có hàng. Chị cho biết kể từ khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đến nay, chị chưa bao giờ thấy có cá lóc, cá trê, cá rô... tại nhiều cửa hàng, siêu thị mặc dù giá đã tăng mạnh so với trước...


Tin tức liên quan

Bình luận