Chăn nuôi, thủy sản 'sống dở chết dở'

30/07/2021 | 349 |
0 Đánh giá

Giá thức ăn tăng phi mã, trong khi giá sản phẩm tụt mạnh, tiêu thụ khó khăn. Người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản như sống dở, chết dở.

Những năm gần đây, các cơ sở chăn nuôi lợn ở Nam Định vốn đã liên tục gặp khó, có người mất cả cơ nghiệp cũng chỉ vì… lợn. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn không trụ vững nên phải đóng cửa, treo chuồng; một số ít cải tạo chuồng nuôi, chuyển đổi con vật nuôi vì giá cả, dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến trang trại chăn nuôi gà siêu đẻ của gia đình anh Nguyễn Văn Phúc (huyện Trực Ninh). Ảnh: An Lãng.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến trang trại chăn nuôi gà siêu đẻ của gia đình anh Nguyễn Văn Phúc (huyện Trực Ninh). Ảnh: An Lãng.

Thời gian qua, người chăn nuôi chưa kịp ổn định trở lại thì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lại khiến họ khốn đốn.

Anh Nguyễn Văn Trinh (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng) tâm sự, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng phi mã, cao gấp nhiều lần so với dịp đầu năm nay. Mỗi bao cám trọng lượng 25 kg có giá dao động từ 350.000 - 370.000 đ, tùy vào từng loại.

Với giá cám cao như hiện nay, anh Trinh nhẩm tính mỗi ngày trang trại lợn của gia đình tiêu tốn trên 50 triệu tiền thức ăn. Chi phí thức ăn chăn nuôi quá lớn, khiến gia đình anh lo ngay ngáy, sống dở chết dở.

Không những thế, thời gian qua, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh liên tục giảm, hiện chỉ còn ở ngưỡng 55.000 - 57.000đ/kg. Nếu thới gian tới, giá thức ăn chăn nuôi không giảm xuống và giá lợn hơi không tăng lên thì chắc chắc người chăn nuôi không có lãi.

Lật từng trang sổ được ghi chép cẩn thận, anh Trinh nhẩm tính: “Trung bình 1 con lợn khi đạt tới 100 kg sẽ tiêu tốn khoảng 3 - 3,5 triệu tiền thức ăn. Nếu giá lợn hơi không tăng lên, vẫn giữ ở mức dao động như trên thì khi bán thu về được 5,7 triệu đồng/con; trừ chi phí tiền giống (2,7 triệu đồng/con), thức ăn, thuốc men, nhân công, điện… thì chắc chắn sẽ âm nặng”.

Với quy mô gần 20.000 con gà Ai Cập siêu đẻ, mỗi ngày gia đình anh Nguyễn Văn Phúc (xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh) tiêu tốn trên dưới 10 tấn cám. Anh bảo, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất chăn nuôi gà siêu đẻ của gia đình.

Thời gian này, gia đình anh như ngồi trên đống lửa khi đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh tạm ngừng hoạt động, đóng cửa nên giá trứng gà giảm, hiện chỉ còn khoảng 2.000đ/quả.

“Chăn nuôi giai đoạn hiện nay, gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều trang trại khác cũng lâm cảnh tương tự. Covid-19 hoành hành đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất…”, anh Phúc buồn bã nói. 

Người nuôi thủy sản dặt dẹo cầm cự

Ông Nguyễn Văn Tung ở xã Xuân Châu (huyện Xuân Trường, Nam Định) đã có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Hồng. Khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, mỗi năm gia đình ông cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn cá thương phẩm (cá lăng, chép giòn), thu về gần 1 tỉ đồng sau khi đã trừ chi phí.

Gia đình ông Hoàng Văn Minh (huyện Nghĩa Hưng) giảm quy mô sản xuất, cho tôm ăn cám dè dặt. Ảnh: An Lãng.

Gia đình ông Hoàng Văn Minh (huyện Nghĩa Hưng) giảm quy mô sản xuất, cho tôm ăn cám dè dặt.

Ảnh: An Lãng.

Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 lần 4 này đã làm đảo lộn cuộc sống gia đình ông. Khoảng 200 tấn cá thương phẩm (chủ yếu là cá lăng) đã đến thời kì xuất bán nhưng không có đầu ra, bị tồn đọng dưới các lồng nuôi.

Ông Tung rầu rĩ: “Mặc dù giá cá lăng đã giảm mạnh, hiện chỉ còn 50.000 đ/kg nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua. Trong khi đó, giá thức ăn lại đang ở mức cao khiến gia đình tôi đối diện với nhiều khó khăn. Để cố gắng cầm cự với số cá đang tồn đọng, tôi buộc phải cắt giảm nguồn thức ăn”.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Hoàng Văn Minh (Thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng) cũng đang loay hoay với ao tôm thương phẩm “bí” đầu ra.

“Tốt chợ mới có lãi” - ông Minh mở đầu câu chuyện với phóng viên về tình hình chăn nuôi tôm hiện nay. Ông giải thích, chợ có tiêu thụ được tôm thì những người nuôi thủy sản như gia đình ông mới có thu nhập.

Hàng năm, trang trại của gia đình ông thường xuyên duy trì ổn định 14 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên gia đình ông phải giảm quy mô nuôi xuống còn 2 ao. Nguyên nhân đầu ra tiêu thụ chậm, giá bán giảm.

Theo ông Minh, hàng năm tôm size 50 con/kg bán 200.000 - 250.000 đ/kg thì thời điểm này giảm xuống chỉ còn 150.000 đ/kg; size 100 con/kg bán 120.000 đ/kg nay giảm xuống còn 70.000đ/kg.

“Tôm đến thời kỳ xuất bán mà không tiêu thụ được thì dễ bị mắc bệnh và chết. Hiện tại, để duy trì sản xuất 2 ao nuôi, tôi đành cho tôm ăn dè dặt; giảm hoạt động các loại máy móc như máy sủi, máy sục khí tạo oxy… để tiết kiệm tiền điện”, ông Minh thổ lộ.

An Lãng


Tin tức liên quan

Bình luận