Nuôi tôm xen cá đối, cá rô phi đơn tính vừa khắc phục ô nhiễm, vừa tăng thu nhập
Việc nuôi tôm xen cá đối mục hoặc cá rô phi đơn tính ở tỉnh Bình Định đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Đây là mô hình vừa khắc phục được nạn ô nhiễm nguồn nước nuôi, vừa tăng thêm lợi nhuận cho người nuôi tôm.
Khắc phục môi trường nước
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, nhiều vùng nuôi tôm theo phương thức quảng canh khiến môi trường vùng nước nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, do vùng nuôi chưa được quy hoạch bài bản, đây là 1 trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh cho con tôm.
Thực tế cho thấy, những vùng nuôi tôm ở tỉnh Bình Định đã được quy hoạch ít nhưng ngược lại, vùng nuôi tôm tự phát với cơ sở hạ tầng yếu kém thì xuất hiện rất nhiều.
Các vùng nuôi tôm theo phương thức quảng canh không có hệ thống cung cấp nước vào ao nuôi và hệ thống xả nước thải riêng biệt, hầu hết chỉ có 1 ao nuôi rồi xả thải trực tiếp ra môi trường, dẫn đến nạn ô nhiễm lây lan.
Trong bối cảnh nguồn nước nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ra dịch bệnh liên tục gây hại cho tôm, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, bán thâm canh ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) lọc nước trước khi đưa vào ao nuôi.
Mô hình dùng bể lọc nước nuôi tôm được nhiều chủ hồ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) áp dụng đã mang lại hiệu quả.
Theo mô hình này, bể lọc được xây bằng gạch trát xi măng có chiều rộng 6m, ngang 4m, sâu 2m. Bên dưới bể rải 1 lớp đá san hô, tiếp đến 1 lớp than hoạt tính và 1 lớp cát dày bên trên cùng.
Nước được bơm từ mạch ngầm vào hồ lọc rồi mới xả vào ao nuôi bằng 1 ống nhựa lớn. Bơm, lọc liên tục đến khi đủ lượng nước trong ao nuôi.Sau khi được lọc, nước trong hẳn ra, khi vào ao nuôi nước ít biến đổi tảo.
Cứ cách 3-5 tháng chủ nuôi tôm phải thay lớp cát và than 1 lần, lớp san hô 1 năm cũng phải lấy ra, chà rửa sạch sẽ rồi cho vô lại trong bể, tránh nguồn nước nuôi bị nhiễm bẩn từ những lớp cặn lóng trong bể lọc.
Trong khi đó, người nuôi tôm ở thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) thì nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm để lũ cá làm sạch môi trường ao nuôi, vừa hạn chế được bệnh môi trường trên tôm, vừa có thêm thu nhập từ cá.
Nhiều cách làm hay, hiệu quả tốt
Nông dân La Đông Quang (ở phường Tam Quan, TX.Hoài Nhơn), 1 trong 3 người tiên phong nuôi cá đối mục trong ao tôm đã suy thoái trong mô hình do Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai với diện tích 12.000m2, số con giống cá đối mục thả nuôi là 12.000 con có kích cỡ 200 con/kg.
Ông Quang cho biết, sau 8 tháng thả nuôi, kết quả cho thấy cá phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt gần 90%, trọng lượng trung bình đạt 2-3 con/kg, ước tính sản lượng thu về hơn hơn 4,8 tấn. Cá đối mục có thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu ra rất thênh thang.
Đặc biệt, cá đối mục là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ. Đặc điểm này rất có lợi cho việc làm sạch môi trường ao nuôi tôm bị suy thoái. Thêm vào đó, kỹ thuật nuôi cá đối mục không khó, ít dịch bệnh nên tỷ lệ sống cao. Nuôi cá đối mục xen kẽ với tôm theo tỷ lệ 1/4 sẽ mang lại lợi nhuận gấp đôi trên cùng 1 diện tích, đồng thời giảm được thời gian và chi phí thức ăn cho cá.
"Bởi, thức ăn của tôm luôn thừa dưới đáy hồ, khi cho máy đảo chạy sục khí, lượng thức ăn thừa bung lên, cá cứ thế mà đớp nên tận dụng được nguồn thức ăn tinh, cá chóng lớn hơn. Nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm bị suy thoái đã cho kết quả kép, vừa làm sạch môi trường trong ao nuôi bảo đảm tôm sinh trưởng an toàn, vừa tạo thêm thu nhập cho người nuôi",ông La Đông Quang chia sẻ.
Còn ở vùng nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) thì trong ao nuôi tôm được thả cá rô phi vào nuôi chung với mật độ 1 con cá/2m2 để chúng làm nhiệm vụ dọn sạch đáy ao, bảo đảm nguồn nước nuôi.
"Cá rô phi không chỉ ăn dần chất thải dưới đáy ao giúp hạn chế ô nhiễm, mà lớp nhớt của cá còn tiết ra chất có tác dụng sinh học diệt những vi khuẩn hại tôm, cân bằng sinh thái trong ao nuôi. Nhờ đó, tôm nuôi ở Đông Điền trong những năm qua không bị dịch bệnh gây hại, người nuôi đều có lãi", anh Phạm Văn Chạy, người có 4.500m2 diện tích mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Đông Điền nói.
Theo ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, các hộ nuôi phải quản lý các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi màu nước, xác định các yếu tố môi trường, theo dõi các yếu tố môi trường. Theo dõi tình trạng sức khỏe, bệnh lý của cá đối mục để có biện pháp xử lý kịp thời.
Mực nước trong ao nuôi luôn duy trì trên 1,2 m, lượng nước thay đối từ 20-30%/lần thay, thời gian thay nước tùy theo mức độ ô nhiễm trong ao. Sử dụng các loại máy đảo nước, máy sục khí để duy trì lượng oxy hòa tan tối ưu trong ao nuôi, đặc biệt là sau khi mặt trời lặn.
Trong thời gian đầu của quá trình nuôi chỉ chạy máy quạt nước vào buổi tối, khi cá lớn, tùy theo tổng khối lượng cá trong ao nuôi mà điều chỉnh thời gian chạy máy quạt nước cho phù hợp.
Theo Tài chính nông nghiệp
Xem thêm