Ở Brazil, người ta nuôi thủy sản thế nào?

20/09/2021 | 507 |
0 Đánh giá

Thách thức đối với nuôi trồng thủy sản Brazil là phát triển các hệ thống sản xuất thực sự bền vững, để duy trì một ngành công nghiệp lâu dài và phát triển hơn về kinh tế. Tương lai sẽ phụ thuộc vào khả năng của các nhà khoa học, người nuôi và các quan chức chính phủ trong việc giải quyết những thách thức này.

Nuôi trồng thủy sản Brazil
Nuôi trồng thủy sản Brazil. Ảnh: Hà Tử

Tổng quan về điều kiện phát triển ngành nuôi trồng thủy sản ở Brazil

Brazil là một quốc gia lục địa, với diện tích 8.547.404 km2. Đất nước này được chia thành 5 vùng địa lý ( Bắc, Đông Bắc, Trung Tây, Đông Nam và Nam), mỗi vùng có những đặc điểm môi trường, kinh tế và xã hội riêng biệt. Đây là một lưu vực thủy văn lớn nhất trên thế giới, chứa khoảng 12% tổng lượng nước ngọt trên bề mặt trái đất, hơn 4 triệu ha đập nhân tạo và hồ chứa nước lớn nhỏ khác nhau. Quốc gia này có đường bờ biển rộng lớn khoảng 8700 km, vùng lãnh thổ lại được thiên nhiên ưu đãi với nhiệt độ ấm áp quanh năm. Tại đây có một thị trường tiêu thụ rộng lớn và cộng đồng khoa học vững chắc, để hỗ trợ khai thác bền vững các hệ sinh thái thủy sinh. Vì vậy, Brazil có điều kiện đặc biệt để phát triển sản xuất các loài thủy sản.

Brazil
Điều kiện tự nhiên Brazil phù hợp phát triển NTTS. Ảnh: Fodor’s Travel

Nuôi trồng thủy sản ở Brazil bắt đầu từ thế kỉ 17, tuy nhiên đến những năm 1970, ngành này mới bắt đầu phát huy lợi ích lớn đối với kinh tế của nó. Do đó, nuôi trồng thủy sản theo quy mô công nghiệp là một lĩnh vực còn khá non trẻ ở Brazil, với chỉ khoảng hơn nửa thế kỉ tồn tại. Phần lớn sản lượng đến từ các chủ doanh nghiệp nhỏ và trang trại có diện tích ao nuôi dưới 2 ha, tương tự như một số nước sản xuất thủy sản ở châu Á. Ở đây, các vấn đề chuyển giao công nghệ, khuyến nông, tận dụng các điều kiện sẵn có, các chính sách của chính phủ và hệ thống pháp luật vẫn còn rất hạn chế. Dựa trên sự thống kê từ nhiều nguồn khác nhau, các chuyên gia đưa ra những nhận định sâu sắc về điểm mạnh và hạn chế, tầm nhìn, các công nghệ mới và tác động của chúng đối với tương lai ngành nuôi trồng thủy sản Brazil.

Khởi đầu ngành nuôi trồng thủy sản ở Brazil

Nuôi trồng thủy sản ở Brazil có lẽ bắt từ khi Hà Lan cai trị khu vực Đông Bắc của đất nước từ năm 1630 đến 1654. Do tình trạng thiếu lương thực diễn ra phổ biến, nên chính phủ Hà Lan khuyến khích việc tìm kiếm các nguồn lương thực tự túc. Họ nhận thức được khả năng sản xuất cá ở cửa sông là rất lớn, nhờ kinh nghiệm đã có được ở Indonesia trước đó. Càng ngày, việc nuôi cá càng đóng một vai trò quan trọng hơn khi cung cấp được một lượng lớn thực phẩm ở Đông Bắc Brazil. Thật không may, việc nuôi cá ở khu vực cửa sông từ thế kỉ 17 đến cuối những năm 1980 vẫn là một hoạt động tự cung tự cấp của những người nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu ở khu vực Đông Bắc. Chỉ khi các công nghệ sản xuất tôm thẻ chân trắng phát triển từ những năm 1990, nhiều hộ nuôi mới chuyển sang nuôi tôm và từ bỏ hình thức nuôi cá truyền thống này. 

nuôi cá công nghệ cao
Nuôi thủy sản ở Brazil chỉ phát triển thật sự từ 1990. Ảnh: TheFishSite

Trong nửa sau thế kỷ 20, nguồn thực phẩm từ thủy sản chẳng hạn như cá, động vật thân mềm, hải sản và tôm nước ngọt, đã thu hút sự chú ý của nhiều nhóm sản xuất. Bên cạnh đó, nghề nuôi cá cảnh cũng đã rộ lên ở các đô thị. Những kinh nghiệm ban đầu này đã thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ hơn ở Brazil từ những năm 1990 đến 2020. Hàng ngàn trại nuôi trồng thủy sản đã được xây dựng trên khắp đất nước, với hơn 60 loài được nuôi. Trong số đó, phải kể đến cá chép, cá trắm cỏ, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng và gần đây là cá rô phi, pacu (một loài cá nước ngọt ăn tạp) và tambaqui (một loài cá nước ngọt, thuộc bộ cá chép) đang trở thành những đối tượng chính được nuôi ở quốc gia này.

Hiện tại của sản xuất thủy sản ở Brazil

Một đánh giá gần đây chỉ ra rằng sản lượng cá ở Brazil đã vượt 1,6 triệu tấn vào năm 2018, trong đó nuôi trồng thủy sản chiếm gần 50%. Sản lượng khai thác thủy sản trong thập kỷ qua là khoảng 800 nghìn tấn, trong khi nuôi trồng thủy sản đã tăng gấp đôi sản lượng trong vòng chưa đầy 10 năm (từ 400 nghìn tấn năm 2009 lên khoảng 800 nghìn tấn năm 2018). Số lượng trang trại nuôi trồng thủy sản trong năm 2017 ước tính là 233.000 trại. Gần một nửa sản lượng nuôi trồng thủy sản của đất nước đến từ các khu vực phía nam và đông nam, bất chấp nhiệt độ ở đây lạnh hơn. Các loài cá nước ngọt, tiếp theo là tôm thẻ là những loài được sản xuất chủ yếu.

Thị trường thủy sản ở Brazil

Thị trường thủy sản ở Brazil. Ảnh: Mordor Intelligence

Hiện tại có hơn 60 loài thủy sản nuôi thương phẩm và xấp xỉ 250 loài cá cảnh, động vật không xương sống và thực vật thủy sinh được nuôi ở Brazil. Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm chủ yếu là cá rô phi và các loài cá hình tròn bản địa (tambaqui, pacu và các giống lai của chúng). Dựa trên truyền thống, đặc điểm sản xuất, chuỗi sản xuất và tổ chức của người nuôi, nuôi trồng thủy sản Brazil có thể được chia thành 5 nhóm chính: cá nước ngọt (bao gồm một số loài), tôm càng xanh, ếch, tôm thẻ chân trắng và nhuyễn thể (trai, sò). Ngoài ra, rùa, cá sấu, cá biển (cá bớp, cá mú) và khoảng 25 loài nuôi cảnh, động vật không xương sống biển, tảo, vi tảo (Spirulina và Arthrospira platensis) được nuôi ở quy mô thấp hơn.

Cá nước ngọt đang được nuôi ở tất cả các bang của Brazil. Trong số các loài được nuôi ở đây, loài chiếm sản lượng cao nhất là cá rô phi với 54%. Thứ 2 là tambaqui và các giống lai của chúng chiếm 18%. Sản lượng tôm thẻ chân trắng và pacu lần lượt chiếm 8% tổng sản lượng mỗi loại, xếp thứ 3 và thứ 4 trong số những loài được nuôi nhiều nhất ở Brazil. Ở những vị trí tiếp theo là cá chép và trai biển. Các trang trại nuôi thủy sản trong ao có thể được phân loại là rất nhỏ (<2 ha), nhỏ (2,1–4,9 ha), trung bình (5–49,9 ha) và lớn (> 50 ha). Khoảng 95% số trại nuôi ao ở quốc gia là rất nhỏ, và chỉ 0,1% là quy mô lớn. Một số ít trang trại lớn sản xuất tôm thẻ, tambaqui hoặc cá rô phi.

nuôi cá ao đất
Một trại nuôi cá rô phi ở Brazil. Ảnh: TheFishSite

Hầu hết các trang trại ở Brazil đều được định hướng theo chiều ngang, với việc người nuôi mua con giống và thức ăn từ các công ty khác và bán cho các nhà máy chế biến, nhà bán buôn, bán lẻ hoặc thậm chí trực tiếp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cá rô phi, cá hồi và tôm thẻ đang được chuyển đổi chuỗi cung ứng theo chiều dọc. Công ty lớn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đầu vào (chẳng hạn như con giống, thức ăn, vôi và những loại dinh dưỡng), nhân viên và thiết bị để khi thu hoạch thì mua tất cả sản phẩm. Mặt khác, người nuôi sẽ chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng cho quá trình nuôi thương phẩm, năng lượng và lao động. Thông thường, những công ty này có nhà máy chế biến và cũng chịu trách nhiệm tiếp thị và phân phối các sản phẩm cuối cùng.

Việc nuôi thương phẩm cá, tôm thẻ hoặc tôm càng xanh thường được thực hiện trong ao đất. Tuy nhiên, việc nuôi cá bằng lồng lưới trong các hồ chứa đã tăng lên đáng kể và hiện đang được một số cơ quan chính phủ ưu tiên. Tiềm năng sản xuất có thể đạt đến 2,5 triệu tấn cá mỗi năm. Lồng lưới được lắp đặt trong các hồ chứa nhỏ ở nông thôn cũng như trong các hồ thủy điện. Sản xuất tại các bể chứa trong nhà chỉ giới hạn trong việc sản xuất giống cá nước ngọt và nuôi các loài trang trí. Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) được sử dụng chủ yếu trong các trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cá cảnh và động vật không xương sống, nhưng cũng đã có một số nghiên cứu với cá biển. Gần đây, công nghệ biofloc cũng được triển khai đặc biệt cho sản xuất tôm thẻ và cá rô phi siêu thâm canh. Biofloc giúp năng suất cao hơn, nhu cầu thay nước thấp hơn và cải thiện hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR). Các mô hình nuôi heo và nuôi cá kết hợp, aquaponic cũng mang lại một số thay đổi cho ngành nuôi thủy sản ở nước này.

Sự bền vững

Tuy ngành nuôi trồng thủy sản ở Brazil đang phát triển, nhưng đây vẫn không phải là một hoạt động chắc chắn bền vững. Có nhiều vấn đề nan giải về môi trường, kinh tế và cả các chính sách của chính phủ. Và nuôi trồng thủy sản 4.0 đang được triển khai rộng rãi ở đất nước này. Kỷ nguyên mới 4.0 được đặc trưng bởi một hệ thống kiểm soát công nghiệp tập trung và sử dụng các công nghệ hiện đại, chẳng hạn như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nano, blockchain và các cảm biến được tối ưu hóa. Nuôi trồng thủy sản 4.0 ở Brazil có nghĩa là sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quy trình nuôi, chất lượng sản phẩm, điều tiết thị trường và khả năng cạnh tranh.

nuôi tôm bền vững
Nuôi trồng thủy sản Brazil trong kỷ nguyên 4.0. Ảnh: Brazmix

Nói tóm lại, thách thức đối với nuôi trồng thủy sản Brazil là phát triển các hệ thống sản xuất thực sự bền vững, để duy trì một ngành công nghiệp lâu dài và phát triển hơn về kinh tế. Tương lai sẽ phụ thuộc vào khả năng của các nhà khoa học, người nuôi và các quan chức chính phủ trong việc giải quyết những thách thức này.

References: Wagner C. Valenti, Helenice P. Barros, et al, Aquaculture in Brazil: past, present and future, Aquaculture (2021), https://doi.org/10.1016/j.aqrep.2021.100611

Hà Tử @ha-tu


Tin tức liên quan

Bình luận