Xuất khẩu thủy sản duy trì lợi thế cạnh tranh
Hai tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt hơn một tỷ USD, tăng 2,2%. Theo nhận định chung, năm nay mặt hàng thủy sản của Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường, vì thế theo dự báo cả năm 2021 có thể đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm 2020.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dịch Covid-19 kéo dài cả năm 2020 làm gián đoạn hoạt động thương mại thủy sản toàn cầu, làm thay đổi xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong quý I và quý II-2020 giảm mạnh lần lượt 10% và 7% nhưng từ quý III bắt đầu hồi phục và tăng trưởng. Kết thúc cả năm 2020, xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2019. Bước sang năm 2021, tình hình thương mại thủy sản vẫn bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19 thậm chí đây vẫn là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất, nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường. Các doanh nghiệp cũng sẽ có thêm kinh nghiệm và sự linh hoạt thích ứng với biến động và thay đổi nhu cầu, thị hiếu của thị trường sau một năm Covid.
Ngay từ đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra một số dự báo về các thị trường trọng điểm cần hướng tới. Theo đó, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản sẽ không tăng về lượng trong thời gian tới. Cơ cấu mặt hàng sẽ vẫn chuyển sang những sản phẩm thủy sản đông lạnh, đóng hộp, tiện dụng ở nhà, dễ chế biến... Về cơ cấu thị trường sẽ có sự thay đổi lớn do tác động từ các rào cản thương mại và phi thương mại, cũng như các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2021 chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường này có thể bị chậm ở một số thời điểm. Các doanh nghiệp (DN) cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm rủi ro.
Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng mạnh, do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng và hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với phần lớn người tiêu dùng. Theo Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản thì: trong quý I-2021 cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tôm ở dạng đông lạnh tới những thị trường lớn có nhu cầu cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... Các DN cần đặc biệt lưu ý các thủ tục để được hưởng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do để tăng tính cạnh tranh về giá đối với những sản phẩm tôm của những đối thủ cạnh tranh như Ấn Ðộ, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a...
Ðối với mặt hàng cá tra, nguồn cung đang dần ổn định, đầu ra cho sản phẩm cá tra cũng ít bị gián đoạn như giai đoạn quý II và quý III-2020. Giai đoạn đầu năm 2021 là thời điểm để các DN xuất khẩu cá tra đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa tới những thị trường lớn và truyền thống. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Ðỗ Lập Nghiệp cho biết, trong dịp Tết Tân Sửu vừa qua, đơn vị đã xuất khẩu hơn 200 tấn cá tra đi châu Âu, Thái-lan, Nam Mỹ, Trung Ðông...
Trong năm 2021, một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết trong năm 2020 sẽ phát huy hiệu quả tích cực. Ðặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã được ký kết trong năm 2020, có hiệu lực vào đầu năm 2021 đã tạo ra động lực tăng trưởng mới cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam với những thuận lợi về thương mại, ưu đãi thuế quan mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng loạt mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam vào thị trường Anh giàu tiềm năng. Thuế nhập khẩu hầu hết các mặt hàng tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) của Việt Nam vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10 - 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực. Vì thế, các doanh nghiệp cần tận dụng thời cơ khai thác hết mức lợi thế có được để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong năm 2021.
TÂM THỜI
Xem thêm