Xuất khẩu tăng mạnh, tôm cá Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?
Chỉ trong 10 tháng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt 9,5 tỉ USD vượt kim ngạch (8,9 tỉ USD) của cả năm 2021.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng của năm 2022 tăng 34%. Đứng đầu về giá trị vẫn là sản phẩm tôm, đạt gần 3,8 tỉ USD, tăng 19%. Dự kiến cả năm sẽ đạt trên 4,4 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2021.
Ước tính thủy sản Việt Nam chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới; đứng ở vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Na Uy CHÍ NHÂN |
|
Còn xét về tốc độ tăng trưởng phải kể đến sản phẩm cá tra, đạt gần 2,2 tỉ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm 2022, cá tra sẽ đạt trên 2,5 tỉ USD, tăng 58% so với năm 2021.
Với tốc độ tăng trưởng 50% trong 10 tháng qua, xuất khẩu cá ngừ đạt 890 triệu USD. Ước cả năm 2022, lần đầu tiên cá ngừ trở thành ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Bên cạnh đó, sản phẩm bạch tuộc xuất khẩu đã đạt doanh số 625 triệu USD, tăng 32%. Ước tính cả năm 2022, sẽ đạt 734 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021.
Báo cáo của VASEP nhận định: 2022 là năm có nhiều biến động và khó khăn, tuy nhiên các doanh nghiệp ngành thủy sản đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2022, ước tính ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị. Trong khi tỷ trọng của nhóm hàng nông lâm thủy sản nói chung đang bị giảm 0,6% thì ngành hàng thủy sản tăng 0,4%, cho thấy sự bứt phá và vai trò ngày càng quan trọng của ngành thủy sản trong chỉ số GDP của cả nước.
Ước tính thủy sản Việt Nam chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới; đứng ở vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Na Uy.
CHÍ NHÂN
Xem thêm