Vào vụ nuôi tôm mới với… nỗi lo cũ

24/03/2021 | 535 |
0 Đánh giá

Những ngày này, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã cơ bản hoàn thành công việc cải tạo ao đầm, làm sạch môi trường ao nuôi, đắp lại đê, bờ bao… để sẵn sàng cho vụ nuôi mới. Tuy nhiên, tình trạng “được mùa - mất giá”, dịch bệnh tấn công tôm nuôi đang là vấn đề khiến người nuôi tôm lo lắng.

                                               Nông dân TP. Bạc Liêu cải tạo ao đầm chuẩn bị vụ nuôi mới.

Chi phí đầu vào tăng cao…

Sau một thời gian dài rớt giá liên tục thì từ sau tết Nguyên đán 2021 cho đến nay giá tôm nguyên liệu đã tăng trở lại và giữ ở mức khá cao. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 98.000 đồng/kg; loại 30 con khoảng 175.000 - 178.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con: 300.000 đồng/kg; loại 50 con: 130.000 đồng/kg…

Việc giá tôm tăng cao giúp nông dân có thêm “động lực” đẩy nhanh tiến độ cải tạo và chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng cho vụ nuôi mới. Tuy nhiên, đi kèm với giá tôm nguyên liệu tăng thì các khoản chi phí đầu vào phục vụ quá trình cải tạo ao đầm như: tiền thuê nhân công, tiền san ủi, tiền ống, tiền bạt lót… cũng tăng theo vùn vụt. Hiện, giá thuê cơ giới cải tạo và làm mới ao nuôi có mức từ 90 - 120 triệu đồng/ha, giá thuê công nhật cũng từ 250.000 đồng/người/ngày nay tăng lên 280.000 đồng người/ngày, bạt lót ao cũng tăng từ 22.000 đồng/m2 lên 35.000 đồng/m2 (tùy loại). Anh Nguyễn Việt Hùng, một người nuôi tôm ở huyện Hòa Bình, chia sẻ: “Vụ nuôi mới chưa biết kết quả ra sao, nhưng giờ thì cái gì cũng tăng giá khiến chúng tôi phải tốn thêm gần 30% chi phí so với những vụ nuôi trước. Nhưng ai cũng phải “gắng gồng” vì nếu không cải tạo xong trước khi mùa mưa tới thì coi như công sức, vốn liếng đổ sông đổ biển”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ các mặt hàng thiết yếu phục vụ quá trình cải tạo, làm mới ao nuôi “đội giá” liên tục trong những ngày qua là do… sốt ảo. Bởi, các nhân viên chào hàng các trang thiết bị này nắm rõ tâm lý của người dân là cần hoàn thành công việc trước mùa mưa nên liên tục làm giá, báo sắp hết hàng để người nuôi tôm phải mua hàng với giá cao. Mặt khác, do cùng một lúc thị trường cần nhiều vật tư phục vụ nuôi tôm như hiện nay nên có một số đối tượng lợi dụng tình hình để bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Nếu không cảnh giác, người dân rất dễ mua phải hàng “dỏm” với giá “xịn”. “Bạt lót, lưới che, máy thổi ôxy… giờ muốn mua giá nào cũng có, quan trọng là người mua có biết chọn đúng sản phẩm có chất lượng hay không. Nếu “non tay” và nghe theo các nhân viên tư vấn, thì coi như ôm hàng”, một nhân viên môi giới bạt lót ao tôm cho biết.

Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của nông dân, các cơ sở sản xuất và dịch vụ con giống trên địa bàn tỉnh cũng đã có những giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ bà con có một vụ nuôi đạt hiệu quả cao.

                             Thu hoạch tôm nuôi theo quy trình công nghệ cao ở huyện Hòa Bình. Ảnh: C.L

… Và nỗi lo cuối vụ

Bỏ lại phía sau cơn “bão giá” vật tư đầu vào, những hộ đã xuống giống tôm đang lo lắng về tình hình dịch bệnh và giá tôm nguyên liệu sắp tới. Nỗi lo ấy của người nuôi tôm là hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, thế nhưng trên thế giới và trong khu vực còn diễn biến phức tạp khiến cho đầu ra cho con tôm ngày càng bị thu hẹp. Mặt khác, lâu nay người nuôi tôm chỉ “tự bơi”, tự cứu lấy mình khi tôm có biến động về giá. Rất ít hộ nuôi được hướng dẫn kỹ thuật hay được ký kết bao tiêu đầu ra. Ông Trần Thanh Trơn (Phường 8, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Giờ giá tôm lên thấy mừng trong bụng thiệt, nhưng khoảng 2 - 3 tháng nữa đến khi mình bắt tôm không biết còn bán được giá này hay không? Phải chi có doanh nghiệp nào ký kết bao tiêu đầu ra như ở vùng trồng lúa thì người nuôi tôm cũng đỡ lo lắng”.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Quốc gia khu vực Nam Bộ, năm nay thời tiết sẽ có nhiều biến động, nhất là tình hình nắng nóng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm khá lớn. Nếu không quản lý tốt ao nuôi, người nuôi tôm rất có thể chịu cảnh trắng tay sau mấy tháng ròng đổ mồ hôi trên các ao tôm.

Thiết nghĩ, ngành Nông nghiệp cần có những giải pháp căn cơ hơn trong việc hỗ trợ người nông dân mỗi khi bước vào vụ nuôi mới, đồng thời tích cực làm cầu nối để tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm để ổn định vùng nguyên liệu, giúp người dân giảm bớt gánh nặng về đầu ra cho con tôm. Cùng với đó cần tăng cường quản lý, kiểm soát các loại vật tư đầu vào phục vụ ngành tôm để đảm bảo bình ổn giá và hạn chế những rủi ro về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cho người nuôi tôm.

Song Nguyên

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 22/03/2021


Tin tức liên quan

Bình luận