Top 10 doanh nghiệp thủy sản tăng trưởng ấn tượng trong tháng 1/2022
Ngay tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã tăng tốc ngay khi bước vào "đường đua". Những ông lớn trong ngành đều ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong tháng 1/2022.
Xuất khẩu thủy sản tháng đầu năm tăng 42,8%
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 1/2022 đạt trên 872,49 triệu USD tăng 42,8% so với tháng 1/2021. Top 5 thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 1/2022 đạt trên 872,49 triệu USD, giảm 3,1% so với tháng 12/2021 nhưng tăng 42,8% so với tháng 1/2021.
Riêng xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 8,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 73,2 triệu USD, tăng 16,6% so với tháng 1/2021.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường FTA RCEP (15 thị trường) đạt 358,04 triệu USD, chiếm 41% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, giảm 14% so với tháng 12/2021 nhưng tăng 21,7% so với tháng 1/2021.
Xuất khẩu sang các nước FTA CPTTP (10 thị trường) đạt 233,97 triệu USD, chiếm 26,8%, tăng 12,3% so với tháng 12/2021 và tăng 24,6% so với tháng 1/2021.
Top 5 thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc; trong đó xuất sang Mỹ đạt 199,79 triệu USD, chiếm 22,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng 11,4% so với tháng 12/2021 và tăng 81,9% so với tháng 1/2021.
Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 133,86 triệu USD, chiếm 15,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng 15,5% so với tháng 12/2021 và tăng 19,3% so với tháng 1/2021.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường sang EU chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, đạt trên 102,64 triệu USD, giảm 1,9% so với tháng 12/2021 nhưng tăng mạnh 63,9% so với tháng 1/2021.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 7,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, đạt trên 62,3 triệu USD, giảm mạnh 46,6% so với tháng 12/2021 nhưng tăng 62,2% so với tháng 1/2021.
Thị trường Hàn Quốc đạt 69,97 triệu USD, chiếm 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, giảm 19% so với tháng 12/2021 nhưng tăng 15,4% so với tháng 1/2021.
Top 10 xuất khẩu thủy sản trong tháng 1/2022 có gì đáng chú ý?
Ngay tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã tăng tốc ngay khi bước vào "đường đua". Những ông lớn trong ngành đều ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong tháng 1/2022.
Dẫn đầu vẫn là ông lớn ngành tôm - Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) với doanh thu xuất khẩu đạt 31,1 triệu USD tăng 60,3% so với cùng kỳ. Cùng ngành, "vua tôm" Minh Phú xếp thứ 3 với 22,4 triệu USD, tăng 80,8%.
Đứng thứ hai "Nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn với doanh thu khá ấn tượng với 27,7 triệu USD, tăng 49,7%. Minh Phú - Hậu Giang vẫn giữ vững vị trí thứ 4 với doanh thu đạt 22,1 triệu USD tăng 36,4%.
BIENDONG SEAFOOD, FIMEX VN lần lượt từ vị trí thứ 6 và 7 đã vươn lên vị trí thứ 5 và 6 với mức tăng tưởng 83,3% và 68%.
Trong khi đó, CASES từ vị trí số 5 đã tụt xuống vị trí số 7, tuy nhiên vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá với doanh thu đạt 14,2 triệu USD tăng 13,6%.
Đáng chú ý, top 10 năm nay xuất hiện một cái tên mới đó là Công ty CP Thủy Sản Bình Định (BIDIFISCO) - doanh nghiệp này đang xếp thứ 9 (năm 2021 xếp thứ 22) với doanh thu đạt 11,1 triệu USD, tăng trưởng cao nhất với 126,5% so với cùng kỳ.
Năm nay, I.D.I CORP từ vị trí số 12 đã vươn lên vị trí số với với doanh thu trong tháng 1/2022 đạt 10,8 triệu USD, tăng 63,6%.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỉ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Nhóm hàng tôm vẫn là “át chủ bài” trong ngành hàng thủy sản xuất khẩu, mang về giá trị kim ngạch lớn nhất. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), năm 2022, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt do tôm là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt.
Những thị trường tiềm năng của Việt Nam trong năm 2022 về xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục đóng vai trò “thị trường chính” là Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu (EU). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực khai mở, tháo gỡ những khó khăn của các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Singapore…
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Vasep - nhận định, năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số; xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định.
Cùng với xuất khẩu tôm, xuất khẩu cá tra dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và thị trường Trung Quốc -HongKong vẫn là khu vực tiềm năng cho xuất khẩu cá tra. Đây là thông tin lạc quan, bởi theo Vasep, từ cuối năm 2021, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hongkong (Trung Quốc) đã tăng trưởng trở lại.
Còn theo bà Tạ Hà - chuyên gia thị trường cá tra của Vasep, từ tháng 9/2021, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc cho rằng, nguồn cá tra dự trữ của họ để chuẩn bị cho dịp lễ tết cuối năm hay tới mùa hè năm 2022 đã cạn nên họ cũng chờ đợi Chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm tra hàng hóa để tăng cường mua hàng.
"Hiện nay, Việt Nam vẫn là 1 trong 3 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng hàng đầu cho Trung Quốc - Hongkong, trở thành nhà cung cấp cá tra đông lạnh “độc quyền” tại Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc đang thiếu cá tra và dự báo sẽ tăng nhập khẩu trong thời gian tới” - bà Tạ Hà nhận định.
Được biết, từ cuối tháng 1/2022, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại do nhu cầu chế biến, xuất khẩu tăng.
Ong Lý
Xem thêm